Ngày 1/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi họp báo thường kỳ Quý I/2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Ba tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Kế hoạch năm 2024, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Bộ và toàn Ngành xác định, quán triệt phương châm hành động của năm là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương; huy động các nguồn lực để sớm triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước. Về tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS), Quý I năm 2024 ước đạt 2,9 – 3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó trồng trọt tăng 2,02%; chăn nuôi tăng 4,34%, thủy sản tăng 3,46%; lâm nghiệp tăng 4,11%). Ba tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước (CKNT); xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5%.
Toàn cảnh buổi họp báo
Tốc độ tăng trưởng toàn Ngành ước 2,98% (cao hơn mức tăng Quý I năm 2023). Duy trì tăng trưởng, phát triển trên các tiểu ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội đầu Xuân. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước đạt 21,6%.
Tuy đạt được kết quả tốt trong quý I, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, ngành còn chịu tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn nhiều phức tạp. Các sản phẩm nông nghiệp chế biến và chế biến sâu vẫn còn là bài toán với ngành. Thị trường xuất khẩu vẫn chủ đạo là Mỹ, Trung Quốc, EU…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu ngành vẫn phải tôn trọng 3 trục sản phẩm: quốc gia, vùng và địa phương. Qua đây, giúp tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Thông tin thêm về bán tín chỉ giảm phát thải từ phát triển rừng, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: Việc mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến ngày càng được nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Với lâm nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ lớn và việc làm này sẽ giúp có thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là phù hợp. Diện tích rừng cả nước hiện đạt 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất rừng, tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260.000 ha rừng, năng suất rừng trồng cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Bộ NN&PTNT và WB đối với 6 tỉnh giai đoạn 2018 – 2024, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng.
Liên quan đến vấn đề hạn mặn, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, vấn đề nước tưới, theo dự báo của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ TN&MT, năm 2024 là năm chịu ảnh hưởng bởi El Nino, tuy nhiên, tác động của hiện tượng này gây ra hạn mặn và hạn trong năm 2023 thấp hơn so với năm trước đó nhưng cao hơn trung bình so với những năm trước đây. Trồng trọt là kênh sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố như thời tiết, hạn mặn, mưa bão, mưa đá hơn các ngành khác.
Để chủ động trong việc phòng chống hạn, hạn mặn, tác động của El Nino, với sản xuất lúa và vùng cây trồng ở vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch gieo trồng sớm ở các vùng ven biển, có nguy cơ gặp hạn mặn, cơ bản đã hoàn thành.