5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,2 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 19,8%, giảm 35%.
Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 37 tỷ USD; trong đó xuất khẩu khoảng 20,26 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 9%. Như vậy, cán cân thương mại ngành nông nghiệp 5 tháng đầu năm thặng dư 3,5 tỷ USD, giảm 21%.
Thông tin cụ thể về tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu nhóm nông sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 28%; thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14%; lâm sản đạt 1,3 tỷ USD, giảm 12%…
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,2 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 10%; thuỷ sản 3,5 tỷ USD, giảm 26%; lâm sản đạt 5,5 tỷ USD, giảm 27%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 26%…
Dưới đây là thông tin xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,7 tỷ USD, tăng 2%; châu Mỹ đạt 4,4 tỷ USD, giảm 35%; châu Âu đạt 2,4 tỷ USD, giảm 13%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%.
Hiện, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 19,8%, giảm 35% và Nhật Bản chiếm 7,8%, tăng 1%.
Bộ NN&PTNT nhận định các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại, Trung Quốc đã mở cửa kinh tế, xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á cũng khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và khu vực châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung. Điều này cũng đã khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta chững lại.