Xuất khẩu hồ tiêu: Bài học về bình ổn thị trường

Cà phê robusta, nhân hạt điều, cao su, gạo và hồ tiêu là những mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam đang ở mức nhất, nhì thế giới. Về lý thuyết, khi hàng hóa xuất khẩu chiếm tỉ lệ áp đảo thì sẽ làm chủ thị trường và giá. Nhưng thực tế, để chủ động điều tiết thị trường xuất khẩu, qua đó giữ giá không bị biến động xuống dưới giá thành… thì chỉ mới có mặt hàng hồ tiêu làm được điều này.

Giới đầu cơ bao giờ cũng tìm mọi cách làm giá để mua được giá rẻ; Thường trước khi vào vụ thu hoạch, các nhà nhập khẩu tung tin Việt Nam được mùa, khiến nông dân và DN trong nước bán tháo ồ ạt, làm cho thị trường trở nên phức tạp, xảy ra thừa hàng giả tạo, có năm giá xuống mức thấp 1.200 USD/tấn tiêu đen.

Nhiều năm qua, giá hồ tiêu trong nước bán được giá tăng dần, tuy nhiên có thời điểm nào đó giá giảm, thậm chí giảm sâu, nhưng nhìn chung cả năm thì giá năm sau tăng hơn năm trước, Năm 2002 – 2005 bình quân: 1.383 USD/tấn, năm 2006 – 2011: 3.753 USD/tấn. Riêng năm 2011 tăng vọt lên 5.852 USD/tấn và năm 2012 đạt mức kỷ lục 6.700 USD/tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 – 2012 theo đó là: 348;  421; 693 và 760 triệu USD.  (chưa kể xuất tiểu ngạch).

Những năm gần đây, người trồng tiêu VN không sa vào bẫy thông tin nhiễu loạn về cung cầu, giá cả, đã chủ động lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp, tạo quyền định đoạt về giá bán. Có thể nói, bà con trồng hồ tiêu đã vượt qua ngưỡng tâm lý phổ biến là khi thấy giá cao thì giữ hàng, chờ cao hơn mới bán, nhưng khi giá xuống thì lo sợ, ồ ạt đồng loạt bán ra, nên giá thị trường càng đi xuống. Giờ đây, người trồng hồ tiêu làm ngược lại, không bán ra khi giá xuống quá thấp, mà giữ lại chờ giá lên đến một mức thống nhất nào đó mới bán ra. Trong 5 năm qua, bài học và kinh nghiệm này đã được bà con áp dụng ngày càng thuần thục và đồng bộ. Năm đầu, số hộ tham gia chưa nhiều, nhưng khi nhìn lại những hộ giữ hàng, bán ra từ từ sau này đều có giá tốt đã tạo niềm tin để những hộ khác có động lực làm theo. Kết quả là giá tiêu đen năm 2009 đạt 36.000 đồng/kg, năm 2010 đạt 62.000 đồng/kg và năm 2011 – 2012 đạt 125.000 đồng/kg. (có thời điểm đạt mức kỷ lục 160.000 đ/kg).

Câu chuyện định đoạt giá cả, bình ổn thị trưởng, nói thì dễ, tưởng đơn giản là vậy, nhưng đó là cả một quá trình nhiều năm phấn đấu của đông dảo bà con nông dân và các doanh nghiệp mới tạo được sự đồng thuận cao về mức giá để bán ra. Để có được điều này, nhiều hộ trồng hồ tiêu lớn đã trang bị internet để lên mạng nắm thông tin hàng ngày, thậm chí đăng ký mua tin của các hãng thông tấn nước ngoài, để theo dõi diễn biến thị trường giá cả.

Để dẫn dắt, bình ổn thị trường, vai trò của VPA đã có những đóng góp đáng kể: VPA luôn luôn sát cánh cùng bà con trồng tiêu, hàng năm tổ chức đoàn doanh nghiệp đi tham quan khảo sát mùa màng, tổ chức tập huấn, hội thảo, diễn đàn về phát triển sản xuất, về lưu thông thị trường giá cả; Thường xuyên theo dõi về tình hình, kết quả sản xuất, về lưu thông, về xuất nhập khẩu hồ tiêu của các nước, dự báo khả năng cung cầu, thị trường giá cả trong nước và thế giới. VPA dùng Website riêng, kết hợp các báo đài, khuyến cáo bà con nông dân và doanh nghiệp có kế hoạch định hướng sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Chỉ trong vòng 10 năm: 1990 – 2000, Việt Nam nhanh chóng vào tốp những nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới. Và tiếp theo 13 năm liền từ năm 2001 đến nay Việt Nam là quốc gia số 1 về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu thế giới, sản lượng chiếm trên 30 % và số lượng xuất khẩu chiếm  50% thị trường thế giới, bỏ xa Ấn Độ, Indonesia là  quốc gia từng sản xuất xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năng suất hồ tiêu Việt Nam cách biệt khá xa so với các nước khác 3-5 tấn/ha. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu tới tấ cả các châu lục, trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã sử dụng hồ tiêu của Việt Nam.

VPA