“Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá một tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD, thậm chí đến gần 200 USD.
Việt Nam được thiên nhiên ban tặng và ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trồng các cây gia vị nhiệt đới như: tiêu đen, quế hồi, nghệ, gừng, hành, ớt… trong đó có hai cây gia vị lớn là tiêu đen và cây quế, hồi. Phát biểu tại hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững” diễn ra ngày 24/9/2024, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết thời gian qua Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động, dự án có ý nghĩa thông qua phát triển rừng bền vững, khai thác có hiệu quả cây gia vị Việt Nam.
Với vai trò là đầu mối trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu gia vị quốc gia từ nông dân, cơ quan quản lý địa phương cho với nhà xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp hội đang định hướng bà con canh tác bền vững, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển kinh tế, vừa phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn thị trường. Trên thực tế, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân phát triển giá trị thương mại bền vững cây hồ tiêu. Trong hai năm 2021-2023, đặc biệt là sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ nâng cao năng lực ngành hồ tiêu của thị trường EU. “Với sự hỗ trợ này, chúng tôi đã thành lập được nhiều hợp tác xã, truyền thông cho bà con hiểu được các thông số để phát triển bền vững, từ đó cam kết song hành với doanh nghiệp xây dựng mẫu rừng trồng đủ lớn để có thể “mặc cả” với thị trường và khách hàng thế giới”, bà Hoàng Thị Liên nói. Phát huy giá trị kép từ rừng Kết thúc dự án, đã có hơn 10 doanh nghiệp được lựa chọn làm nòng cốt làm việc với địa phương để xây dựng mô hình canh tác bền vững. Đây là mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 100% chi phí sản xuất để bà con yên tâm canh tác bền vững.
Ngoài việc phát triển cây hồ tiêu ở phía Nam, Hiệp hội mong muốn triển khai mô hình rừng trồng quế ở phía Bắc. Hiện nay, về mặt chất lượng, giá trị sản phẩm thương hiệu, sản phẩm quế Việt Nam đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Ngoài việc gắn trồng rừng quế, hồi với bài toán sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, còn có mục tiêu khác là khuyến khích đa dạng sinh học để có thêm các cây trồng khác trong vùng trồng quế. Mặc dù đã xây dựng được vị trí, tên tuổi trên thị trường gia vị thế giới, song ngành quế Việt Nam cũng đang phải đối diện với thách thức. Do đó, Hiệp hội quan tâm hơn về chính sách tổng thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đưa về với địa phương.
Về kỹ thuật, Chủ tịch Hoàng Thị Liên cho biết Hiệp hội cần Bộ Tài Nguyên và Môi trường hỗ trợ đánh giá xử lý đất ở những vùng trồng vật liệu đang bị nhiễm kim loại. Để khuyến khích bà con yên tâm với trồng cây quế, nhân rộng diện tích rừng trồng cần có quy hoạch tốt, thống nhất về quản lý. Đặc thù của cây quế là trồng và khai thác và quay vòng. Theo một số tổ chức, sau 18 năm trồng và thu hoạch thì cây quế phải bị chặt bỏ, khi đó carbon rừng quế sẽ bị đưa về 0. Như vậy, cần phải có mảnh đất trồng ở cạnh để gối đầu, duy trì tín tín chỉ carbon liên hoàn, không bị gián đoạn.
Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực tế cho thấy tại Yên Bái, Lào Cai sau cơn bão Yagi vừa qua, cây lâm nghiệp gần như bị ảnh hưởng ít nhất. Rừng quế đang đóng góp lớn cho chống sạt lở đất, tăng hấp thụ carbon, giảm phát thải.
Giá trị của tín chỉ carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon; các tiêu chuẩn áp dụng để xác định tín chỉ carbon (như tiêu chuẩn Verra, Verified Carbon Standards (VCS), Gold Standards, hay American Carbon Registry); sự hiện diện của các lợi ích đi kèm (co-benefits); địa điểm giao dịch tín chỉ carbon.
Để không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam đang hướng tới thị trường carbon tuân thủ và có sàn giao dịch bắt buộc. Tuy nhiên, các khái niệm về thị trường tín chỉ carbon còn rất mới mẻ. Vì vậy, tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển cũng như thời điểm triển khai thị trường carbon thành hai giai đoạn.
Giai đoạn đến hết năm 2027: tập trung xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, cũng như hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025, đồng thời triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028: chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Tôi cho rằng lộ trình này của Chính phủ là rất phù hợp, mặc dù không phải là nước đi trước về phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhưng Việt Nam cũng không phải là quốc gia đi quá chậm trong hành trình này”.
“Hiện nay, ngành Lâm nghiệp đã có 1 luật và 16 nghị định trong tổng số hơn 60 văn bản pháp luật quy định về lâm nghiệp. Điều này cho thấy ngành lâm nghiệp đã có hệ thống văn bản phát luật chặt chẽ.
Sau khi có Luật Lâm nghiệp 2017, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật.
Đến tháng 7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 tập trung mục đích đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho các chủ rừng, các doanh nghiệp kinh doanh về rừng, ban quản lý rừng, cũng như các cộng đồng sinh sống trong môi trường rừng.
Nghị định 91 đã giải quyết được nhiều vấn đề nóng, trong đó có dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon.
Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trước đây có nhiều dự án đầu tư rừng gặp vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nay Nghị định 91 đã phân cấp rõ hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đơn vị quyết định duy nhất và cuối cùng về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Trong trường hợp các dự án phải trình cấp Thủ tướng hoặc Quốc hội quy định thì văn bản thông qua của Thủ tướng hoặc Quốc hội cũng đương nhiên được coi là chủ trương thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Điều này giúp giảm nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi đầu tư vào rừng, khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, đối tượng đầu tư dự án về rừng cũng được mở rộng, bao gồm thêm cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề cho các tỉnh để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định 91 cũng tạo cơ hội cho một hình thức đầu tư dịch vụ mới vào rừng đó là kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí trên đất rừng, bao gồm cả rừng bảo hộ và rừng đặc dụng.
Điều này giúp tận dụng tối ưu các tài nguyên rừng trong điều kiện được Nhà nước quản lý chặt chẽ và đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ lợi ích nguồn thu từ rừng cho cộng đồng, người dân sinh sống trên đất rừng.
Nghị định 91 cũng quy định rõ về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là điểm mới và nền tảng cơ bản cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn thu từ rừng một cách hiệu quả.
Như vậy, các chính sách văn bản hiện nay đang tạo điều kiện trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào rừng, đảm bảo sự chia sẻ lợi ích nguồn thu từ rừng, mở rộng các loại hình thu nhập từ rừng. Trước kia thu nhập từ rừng chỉ có từ gỗ, hiện nay có thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon. Những nguồn thu mới này sẽ là động lực để các chủ rừng, doanh nghiệp đầu tư vào rừng phát triển rừng một cách bền vững”.
“Rừng của Việt Nam được ví như “trái tim” của đất nước. Từ những thiệt hại nặng nề mà siêu bão Yagi vừa gây ra tại khu vực phía Bắc Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển bền vững.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và phát triển bền vững. Điển hình là Bhutan, một quốc gia không chỉ đạt mục tiêu Net Zero mà còn đạt mức phát thải âm. Với diện tích rừng chiếm 72% lãnh thổ, Bhutan mỗi năm chỉ thải ra 1,5 triệu tấn CO2 nhưng có thể hấp thụ tới 6 triệu tấn CO2. Điều này minh chứng cho khả năng to lớn của rừng trong việc cân bằng carbon và bảo vệ môi trường.
Với 50% diện tích lãnh thổ là rừng, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đạt được những thành tựu tương tự, nếu có chính sách quản lý và phát triển rừng hiệu quả. TP.HCM đã tiên phong tổ chức các diễn đàn về phát triển thị trường carbon, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính và trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của cả nước. Điều này không chỉ giúp Việt Nam hình thành một thị trường carbon nội địa vững mạnh, mà còn mở ra cơ hội bán tín chỉ carbon cho các nước trong khu vực.
Hiện nay, quỹ ACCV đang là đại diện của Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (GGSC) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. EuroCham cũng phối hợp cùng với Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng tới một kế hoạch dài hạn nhằm phát triển thị trường carbon trong nước.
Kế hoạch này không chỉ tập trung vào xây dựng thị trường bền vững, mà còn nhằm giảm thiểu các rào cản phát sinh từ Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) khi chính sách này được triển khai.
Với các đối tác quốc tế, rừng Việt Nam không chỉ là tài sản thiên nhiên quý giá mà còn là lĩnh vực được các quỹ đầu tư tư nhân đặc biệt quan tâm. Do đó, trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đẩy mạnh ba biện pháp trọng tâm.
Thứ nhất, Chính phủ cần phát triển những chính sách đột phá để phát triển thị trường carbon, đặc biệt hướng TP.Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu không chỉ phát triển thị trường carbon trong nước mà còn vươn ra khu vực.
Thứ hai, cần mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân cũng như các quỹ tư nhân tham gia vào lĩnh vực tín chỉ rừng, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng đang bảo vệ và phát triển rừng. Đây là yếu tố cốt lõi, bởi muốn bảo vệ rừng cần xây dựng đội ngũ bảo vệ, gắn bó với rừng.
Thứ ba, Việt Nam cần nâng cao nhận thức người dân về việc rừng chính là “trái tim” của đất nước và giữ rừng chính là bảo vệ tương lai của đất nước”.
“Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp) triển khai xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện các quy định cần thiết để sớm triển khai. Đây là bước đi chiến lược nhằm tham gia vào xu thế toàn cầu, khi nhiều quốc gia như Liên minh châu Âu (EU) và Singapore đã xây dựng thành công các mô hình thị trường carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon, bao gồm các nhiệm vụ như: phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon, thực hiện giao dịch trên sàn; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; hướng dẫn các hoạt động đấu giá, chuyển nhượng, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ quản lý thị trường carbon trong nước và tham gia vào thị trường carbon quốc tế, đồng thời tổ chức vận hành thí điểm và triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này một cách hiệu quả.
Đặc biệt, trong Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính (do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính) và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon (được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước và quốc tế).
Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Trong đó, nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng.
Một là, cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính.
Hai là, tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc quốc tế.
Ba là, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Để triển khai xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam một cách thành công nhất, có ba nhiệm vụ trọng tâm mà chúng ta cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Cụ thể, cần thiết lập các quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ carbon, ban hành quy định liên quan đến đấu giá, chuyển nhượng, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch.
Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý cho tổ chức và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, thiết lập cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường này và ban hành quy định về quy trình cũng như kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường. Điều này bao gồm việc củng cố bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường carbon được thực hiện chặt chẽ.
Thứ ba, tăng cường nhận thức và năng lực. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thiết lập hệ thống thông tin cần thiết nhằm quản lý thị trường một cách hiệu quả”.
“Lượng khí thải CO2 Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm, với mức trung bình khoảng 5.000 tấn CO2/người/năm. Mức này của Việt Nam tương đối thấp so với mặt bằng chung của quốc tế (ở mức khoảng 6.800 – 7.000 tấn CO2/người/năm.
Việt Nam đã có những cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu Net Zero. Để đạt được mục tiêu này, phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững, chúng ta phải tăng lượng CO2 được hấp thụ từ rừng lên 185 triệu tấn. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với hiện nay, đang ở mức khoảng 60 triệu tấn.
Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 17 triệu ha rừng. Việt Nam không thể tăng thêm 3 lần diện tích rừng nên việc duy nhất là làm giàu rừng. Đồng thời tất cả các lĩnh vực khác đều phải triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Việt Nam đã có cam kết chuyển đổi năng lượng, đặc biệt đối với điện than, giảm dần từ năm 2030 và tiến tới cắt hẳn vào năm 2050. Điều này sẽ tạo sức ép vô cùng lớn đến mặt bằng chung của tiêu thụ năng lượng và cơ cấu năng lượng của Việt Nam cũng như nền kinh tế nhưng bắt buộc phải làm.
Thực tế hiện nay năng lượng hóa thạch đang chiếm trên 40%, tiếp đó là thủy điện. Năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 20% và có mức tăng mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ năng lượng tái tạo cần phải tiếp tục tăng lên mức 35- 40% vào năm 2030 và đạt mức 65- 70% vào năm 2050 thì mới đạt mục tiêu Net Zero.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào các cam kết khác, tiếp tục gây sức ép với các lĩnh vực như giảm phát thải khí Metan, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và quản lý chất thải. Mặc dù tỷ lệ khí Metan không lớn, chỉ chiếm khoảng 15% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Ngoài ra Việt Nam cũng tham gia cam kết bảo tồn rừng tại Hội nghị COP26…
Việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh là một xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược, đi cùng với đó là các mục tiêu về chính trị, kinh tế, xã hội mà chúng ta phải theo.
Đối với thị trường carbon, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều văn bản quy định pháp lý, kỹ thuật. Mục tiêu tối thượng của thị trường carbon trên toàn cầu là để giảm phát thải khí nhà kính chứ không phải để tạo ra giá trị thặng dư của nền kinh tế.
Nói cách khác, điều này tạo cơ chế linh hoạt cho các doanh nghiệp giảm phát khí nhà kính, sử dụng công cụ kinh tế. Các công cụ hiện đang được xây dựng gồm cả thị trường tuân thủ, thị trường tự nguyện. Hiện nay, tín chỉ carbon từ rừng đang được bán dưới dạng thị trường tự nguyện cho các tổ chức, đối tác quốc tế. Số tiền thu được cần phải được đầu tư trở lại để tăng thêm giá trị”.
“Dự kiến năm 2025 Việt Nam sẽ có thị trường tín chỉ carbon sơ cấp; năm 2028 sẽ vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức. Tuy nhiên, thời điểm này, HDBank vẫn hướng đến các dự án về tín chỉ carbon rừng và xem đây là một hướng đi. Đây cũng là cách để HDBank đóng góp vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Chúng tôi hiểu rằng, tài trợ cho những dự án rừng, có ý nghĩa hơn tất cả những dự án khác, vì rừng là bể hấp thụ carbon khác với các dự án giảm phát thải carbon.
Các dự án để được đầu tư cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, nói cách khác là được công nhận của cơ quan chức năng. Bản thân dự án phải có hiệu quả về mặt tài chính và chủ dự án cần đưa ra quy trình rõ ràng trong việc tạo ra tín chỉ carbon. Hãy trả lời câu hỏi: Cơ quan nào xác nhận hay cấp tín chỉ đó? Dự kiến về một thị trường giao dịch tín chỉ carbon của mình trong tương lai; cách tiếp cận thị trường và chứng minh tính hiệu quả trong giao dịch?
Khi các dự án đáp ứng những tiêu chí đó cùng với khả năng hoạt động mạnh mẽ của doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ tài trợ.
Trách nhiệm với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, HDBank là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong trong ban hành chính sách về tín dụng xanh, bảo vệ môi trường và xã hội; tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, nhân viên về thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn và đồng hành cùng khách hàng.
Trong hoạt động, chúng tôi đã sớm cam kết triển khai các giải pháp giảm thiểu phát thải carbon từ nhiều năm trước, thông qua các hành động thiết thực, như tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính đến cán bộ nhân viên và tham gia truyền thông với cộng đồng.
Đặc biệt, HDBank đi tiên phong trong triển khai quy trình đánh giá và quản lý rủi ro môi trường xã hội (ESMS) cho toàn bộ khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã tiên phong xanh hóa dòng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và xe điện cùng phương án sản xuất thân thiện với môi trường,…
Từ năm 2018, HDBank đã bắt đầu triển khai tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam; cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất, hướng tới giá trị bền vững; giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay HDBank đã giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng vào các dự án tài trợ xanh”.
“Thời gian qua, Cục Lâm nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình kế hoạch như: Đề án 1 tỷ cây xanh, Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai.
Tất cả những chủ trương chính sách của ngành liên quan đến tín chỉ carbon rừng như: Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn… nhằm đáp ứng cho phát triển, bảo vệ rừng, cũng như thúc đẩy trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Thị trường carbon hiện nay bao gồm cả thị trường tự nguyện trên quốc tế và một số thị trường bắt buộc của một số quốc gia cũng như vùng lãnh thổ đang vô cùng sôi động.
Việc trao đổi thị trường tín chỉ carbon rừng của ngành lâm nghiệp hiện nay đang thực hiện trên thị trường tự nguyện, với 2 chương trình dự án carbon lâm nghiệp.
Đúc kết từ thực tế triển khai 2 Chương trình dự án carbon rừng, chúng tôi nhận thấy có một số thuận lợi.
Thứ nhất, nhiều chủ trương của Đảng, các chính sách, chiến lược, nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành, chiến lược quốc gia, chương trình kế hoạch phát triển của ngành lâm nghiệp đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển rừng để tăng khả năng hấp thụ CO2 cũng như ngăn ngừa, giảm phát thải.
Thứ hai, sự chuẩn bị cho thị trường carbon trong nước. Hiện nay thị trường carbon trong nước đang được xây dựng, hình thành. Khi thị trường chính thức được vận hành, tín chỉ carbon của ngành lâm nghiệp có thể được giao dịch ở thị trường trong nước.
Thứ ba, ngành đã có kế hoạch giảm phát thải, có các thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ trong lĩnh vực lâm nghiệp làm cơ sở báo cáo kết quả của ngành đóng góp vào NDC.
Thứ tư, nhu cầu bù trừ tín chỉ trong nước và quốc tế và nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hỗ trợ phát triển rừng. Đặc biệt trong những năm gần đây nhu cầu bù trừ tín chỉ trong nước tăng mạnh với những thỏa thuận, sáng kiến mới của quốc tế như EU và tới đây là Hoa Kỳ. Các sáng kiến này sẽ áp cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này cần chứng minh nỗ lực giảm phát thải.
Nhu cầu tín chỉ carbon sẽ tăng mạnh trong thời gian tới cả trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tiếp cận chúng tôi với mong muốn mua các tín chỉ carbon để bù trừ vào phần phát thải.
Tiềm năng về tín chỉ carbon rừng là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là vấn đề về truyền thông và nhận thức về tín chỉ carbon rừng xung quanh câu chuyện về giá cả, về việc rừng nào tạo được nhiều tín chỉ, rừng nào bán được nhiều hơn…
Tiếp đó, là vấn đề thể chế chính sách. Mặc dù hiện nay đã ban hành một số hướng dẫn liên quan đến tín chỉ carbon nhưng những vấn đề về quyền carbon, ai được bán tín chỉ và sử dụng như thế nào… vẫn còn thiếu.
Về nhu cầu sử dụng tín chỉ của thị trường trong nước, theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chỉ được mua bù trừ 10%, nhưng Nghị định 06 sửa đổi dự kiến tăng lên 20% lượng còn thiếu nên có thể nhu cầu sẽ giảm đi khi doanh nghiệp bị thiếu không thể mua 100% tín chỉ bù trừ…
Định hướng kế hoạch trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao (carbon xanh).
Cùng với đó truyền thông tập huấn kỹ thuật cho các bên liên quan; tổ chức kiểm kê khí nhà kính, nghiên cứu phân bổ hạn ngạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và tiềm năng tín chỉ cho từng địa phương, nếu dư thừa mới được bán. Hiện Cục đang soạn thảo Tài liệu hỏi đáp về tín chỉ carbon rừng và sẽ hoàn thành trong tháng tới.
Cục cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng; đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng và các cơ chế vận hành tiêu chuẩn này cũng như huy động nguồn lực hỗ trợ của các bên liên quan…”.
VnEconomy 30/09/2024 06:00