Triển khai Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” tại tỉnh Gia Lai

Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững Hồ tiêu Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH). Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) và IDH là các đơn vị đồng tổ chức thực hiện tại ba tỉnh của Tây Nguyên bao gồm Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai.

Dự án có sự tham gia của các công ty xuất nhập khẩu Nedspice, McCormick, Olam Vietnam, Griffith, Jayanti; các đơn vị thu mua Công ty DK Commodity, Simexco, VietSpice Corporation, Haprosimex, Pearl, Vĩnh Hiệp, Phúc Thịnh; Các hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh, Ea M’roh và Nam Yang và khoảng 8.000 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp.

Mục tiêu của Dự án là tăng thu nhập cho 8.000 nông hộ sản xuất hồ tiêu và đóng góp vào một môi trường tốt hơn cho Việt Nam. Dự án thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan chính trong ngành hồ tiêu, bao gồm cả khối công, tư nhân và nông dân. Các hoạt động của dự án như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân; đồng thời các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững cùng với nỗ lực quản lý và sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm sẽ góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt chuẩn thị trường yêu cầu và bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân trồng hồ tiêu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tổ chức IDH đóng vai trò là nhà đồng tài trợ và là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án. IDH đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật với các đơn vị có chuyên môn sâu như: TMT, CDC, 5CHO, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu (PRDC). Các đơn vị này trực tiếp hỗ trợ về kỹ thuật cho dự án để phát triển vùng hồ tiêu bền vững bao gồm:

  • Nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hạt tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.
  • Cải thiện kiểm soát và giám sát hóa chất nông nghiệp trong chuỗi cung ứng hồ tiêu.
  • Hỗ trợ các Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tham gia chương trình bền vững, tiếp cận tốt hơn với thị trường hồ tiêu.
  • Tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong sản xuất hồ tiêu.

Tại Gia Lai, Dự án có sự tham gia của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang với vùng nguyên liệu tập trung tại huyện Đăk Đoa. Trong khuôn khổ của Dự án, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu (PRDC) được IDH ủy quyền tư vấn kỹ thuật hỗ trợ cho HTX Nam Yang về sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế, đồng thời lồng ghép các biện pháp can thiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính và điều kiện làm việc để góp phần mang lại thu nhập tốt hơn, công việc tốt hơn và môi trường tốt hơn.

Đại diện IDH, PRDC đến thăm và làm việc với HTX NN và DV Nam Yang

Bước đầu dự án đã đạt được những kết quả nhất định. PRDC đã phối hợp với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tổ chức 2 đợt tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và thúc đẩy phát triển hồ tiêu bền vững. Nội dung tập huấn tập trung vào các chủ đề: Sử dụng hóa chất có trách nhiệm và an toàn; Quản lý sâu bệnh hại tổng hợp; Sử dụng hóa chất an toàn trong xen canh; Quản lý cỏ dại; Quản lý sức khỏe đất.

Kết thúc các đợt tập huấn, người dân đánh giá cao về nội dung giảng dạy, giảng viên nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm và phương pháp, kỹ năng giảng dạy tốt. Thông qua các nội dung tập huấn và thực hành ngoài đồng ruộng, người dân có thể nhìn nhận được các vấn đề và có hướng xử lý kỹ thuật thích hợp trên chính vườn cây của mình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây và phát triển một cách bền vững.

Nông dân ứng dụng bẫy sinh học để bẫy côn trùng nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV

Về phía Hợp tác xã Nam Yang, cũng nhận định rằng, thông qua các lớp tập huấn như thế này sẽ giúp sự kết nối giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương, và các công ty xuất nhập khẩu bền chặt hơn, tạo tiền đề cho sự hợp tác lâu dài giữa các bên.

Ngoài các lớp tập huấn, dự án còn có các hoạt động thăm thực tế và hỗ trợ kỹ thuật tại các vườn tiêu; hỗ trợ các hoạt động xây dựng 03 vườn hồ tiêu cảnh quan tại Suối Cát, Đăkrong, Đăk Đoa với các can thiệp chính về xen canh; quản lý nước tưới và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp.

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật trong việc nhập dữ liệu vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm các thông tin về hồ sơ trang trại, thực hành canh tác và sử dụng hóa chất nông nghiệp. Hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng App Trace AgTech do Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cung cấp.

Theo Nguyễn Quang Ngọc

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu – PRDC