Được hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng keo nhưng nhiều diện tích cây quế chết khiến nông dân Quảng Trị phải chịu thiệt thòi.
Dặm đi dặm lại vẫn chết
Tháng 12/2021, gia đình ông Trần Thọ Liên tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ xuống giống 0,6 ha giống cây quế. Thời gian đầu, cây quế sinh trưởng phát triển bình thường. Thế nhưng, đến khoảng tháng 7/2023, cây giống khô héo rồi chết dần. Gia đình ông Liên đã nhiều lần trồng dặm nhưng không hiệu quả. Số có thể sống sau một năm rưỡi trồng cũng chỉ mới tốt ngang đầu người. Bỏ thì thương, vương thì tội, gia đình ông vẫn cố công chăm sóc nhưng rồi không biết kết quả đi về đâu.
“Cả nhóm chúng tôi gồm 20 hộ, trồng tổng diện tích 6 ha nhưng bây giờ chỉ gia đình tôi còn mật độ khoảng 50% số cây. Các hộ còn lại, có hộ chết 100%, có hộ chết với tỷ lệ 70-80% số cây. Những hộ này hiện đã trồng thay thế bằng cây keo. Như gia đình tôi, diện tích còn rất ít không biết sau này thu hoạch có ai thu mua không”, ông Liên lo lắng.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, Công Ty Quế Hồi Việt Nam (Vina Samex) cung ứng giống cho hàng trăm hộ dân tại xã trồng với tổng số trên 35 ha cây quế. Ban đầu, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt nhưng từ 7 tháng đến 1 năm, cây giống bắt đầu chết. Người dân, chính quyền địa phương và cả đơn vị cung ứng giống đã tổ chức trồng dặm. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 6/2024, toàn xã chỉ còn khoảng 1,5 ha. Đơn vị cung ứng cũng đã đưa giống về địa phương để ươm sau đó trồng thử nhưng cây giống vẫn chết.
Ông Tuân cho biết thêm, theo kế hoạch, địa phương này sẽ trồng 200-300 ha cây quế. Nhưng với thực tế như hiện nay, mục tiêu ấy sẽ đổ bể.
Vườn quế của gia đình ông Trần Thọ Liên cũng chỉ còn 50% số cây ban đầu. Ảnh: Võ Dũng.
Việc cây quế bị chết đã khiến người dân xã Cam Tuyền thiệt hại nặng nề. Bình quân, mỗi ha cây quế hồi đầu tư giống và phân bón hết 54 triệu đồng và được ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 50% giống, phân bón. Ngoài ra, nông dân còn bỏ tiền thuê máy san ủi mặt bằng, đào hố, tổng chi phí phải đến 70-80 triệu đồng/ha. Thế nhưng, cây quế gần như chết hết sau hơn 2 năm trồng khiến nông dân phải quay lại trồng keo hoặc các loại cây trồng khác. Trong thời gian chăm sóc cây quế, người dân không có nguồn thu trên diện tích đất canh tác nên rất chật vật.
Ném tiền tỷ qua cửa sổ
Với mục tiêu trở thành “thủ phủ” cây dược liệu của tỉnh Quảng Trị, từ nguồn ngân sách hỗ trợ theo Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND, ngày 9 tháng 12 năm 2021, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Cam Lộ đã giải ngân và hỗ trợ người dân trồng 127,8 ha cây quế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích cây quế sống chỉ còn khoảng 8,5 ha. Diện tích sống sót này cũng đối mặt với nguy cơ không thể tồn tại sau mùa nắng nóng này.
Người dân đã phải trồng lại keo sau khi cây quế không thể tồn tại. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho hay, trước lúc trồng cây quế, nông dân trong xã được đi tham quan tại tỉnh Yên Bái. Sau khi thấy cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao và được UBND huyện Cam Lộ cho chủ trương, UBND xã Cam Tuyền đã nhiều lần họp bàn và chuyển một số diện tích trồng keo, thông sang trồng cây quế hồi. Thế nhưng, niềm hi vọng mau chóng vụt tắt vì người trồng quế đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Có thể là do công tác đánh giá tính thích nghi của cây quế tại Cam Lộ chưa chính xác nên mới xẩy ra tình trạng cây chết. Quế có tinh chất dầu có lẽ không chịu được nắng nóng và gió Lào ở đây”, ông Tuân phân tích.
Còn ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cũng rất tiếc nuối vì cây quế không thể thích nghi được với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Trước khi quyết định đưa cây quế hồi về trồng tại Cam Lộ, địa phương này cũng đã đưa mẫu đất đi test và cho kết quả rất phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cây quế hồi lại không thể sinh trưởng và phát triển trên vùng đất này.
“Một ha quế tại Yên Bái có thể nuôi sống cả gia đình, giá trị kinh tế cao gấp rất nhiều lần trồng keo. Vì thế, chúng tôi mới tích cực triển khai trồng cây quế. Công Ty Quế Hồi Việt Nam cũng cam kết thu mua toàn bộ sản lượng và nếu diện tích ổn định thì họ sẵn sàng xây dựng nhà máy chế biến tại Cam Lộ. Tiếc là đến nay, cây quế đã không thể thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Cam Lộ.
Nông dân vẫn là người chịu thiệt hại lớn nhất. Ảnh: Võ Dũng.
Theo báo cáo của UBND huyện Cam Lộ, để trồng được 127,8 ha cây quế, địa phương này đã giải ngân trên 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi việc trồng thí điểm cây quế thất bại, địa phương này đã phải tiếp tục giải ngân nguồn vốn nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi từ cây quế sang trồng rừng gỗ lớn.
Còn theo người dân Cam Lộ, chi phí trồng mỗi ha quế khoảng 70-80 triệu đồng. Tính ra, với 127,8 ha quế, thiệt hại từ việc trồng thí điểm cây quế tại Cam Lộ lên tới trên 9 tỷ đồng.