[TCBC] – Về việc doanh nghiệp bị lừa đảo tại Dubai – UAE

Hang Hoa 15751536448001864252073 16144911002261761587404 16504337576611098391915

Liên quan đến vụ việc có dấu hiệu lừa đảo hàng gia vị và nông sản xuất khẩu của các DN là Hội viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thay mặt hội viên Hiệp hội trân trọng thông tin đến quý đài, báo các nội dung liên quan như sau:

– Người bán    : Công ty xuất khẩu Việt Nam là Hội viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

– Lượng hàng  : 5 công hàng gồm 2 cont Hồ tiêu, 1 cont Quế, 1 cont Hoa Hồi và 1 cont Điều.

– Giá trị lô hàng: 516.761 USD.

– Cảng đi        : Việt Nam.

– Cảng đến      : Jebel Ali Dubai – UAE.

– Người mua   : Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT).

Địa chỉ: Office No 1006. Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE. Tel: +971 43868859 – Email: info@barft.com

Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry. Mob/Whatsapp: +971 586001304 – Email: naeem@barft.com

– Ngân hàng thu hộ người mua: Ajman Bank PJSC. Account type: Current Account – Standard – 1050. Bank Code: 057 Swift Code: AJMNAEAJ

Bank Address: Sheikh Zayed Road Dubai Branch – Ground Floor, Eiffel Boulevard Limited Building (EIFFEL-2), Sheikh Zayed Rd, Dubai, UAE. Trụ sở chính của ngân hàng: Main Branch (Al Ettehad Street, Next to Etisalat Building, Mushairef, Ajman, UAE).

– Điều khoản thanh toán: Nhờ thu D/P.

– Hàng giao tháng 6, cập cảng tháng 06-7/2023.

– Tình trạng hàng:

+ 04 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 cont Hồ tiêu, 1 cont Quế, 1 cont Điều, tổng trị giá khoảng 400 ngàn USD.

+ 01 lô hàng Hoa Hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

– Tóm tắt chung giao dịch 04 lô bị mất:

Các DN ký với khách hàng theo hình thức Nhờ thu hộ D/P, tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập. Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 05 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán. Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 containers hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Khi phát hiện vụ việc hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam điện đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

– Sau khi được DN trình báo sự việc, Hiệp hội đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách liên quan và đề nghị phối hợp hỗ trợ giúp DN thu hồi được tiền hàng.

  1. Ngày 14-15/7/2023: Làm việc với Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại UAE.
  2. Ngày 15/7/2023: Gửi công văn báo cáo Bộ Công Thương, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại UAE.
  3. Ngày 17/7/2023: Hiệp hội họp nội bộ DN để cập nhật tình hình và gửi giấy mời yêu cầu các bên liên quan đến họp để nắm tình hình, xác minh sự việc.
  4. Ngày 17/7/2023: Đại sứ quán Việt Nam tại UAE gửi công hàm đi các cơ quan liên quan của UAE gồm Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Trung ương, Cảnh sát Dubai và Ngân hàng Ajman Bank.
  5. Ngày 18/7/2023: Hiệp hội đã chủ trì buổi làm việc (đồng chủ trì là Hiệp hội Điều) với các ngân hàng thương mại là đối tác của DN xuất khẩu, các hãng tàu, đại diện ngân hàng nhà nước tại TP. HCM. Riêng đại diện Cục Hàng hải Việt Nam tại TP. HCM không đến dự họp.
  6. Ngày 18/7/2023: Thương vụ Việt Nam tại UAE đi làm việc, trao công hàm cho Ngân hàng Ajman Bank. Sau buổi làm việc Thương vụ cho biết Ngân hàng đã tiếp nhận hồ sơ và thông báo mọi việc liên quan sẽ do trụ sở chính của Ajman Bank xử lý.
  7. Ngày 20/7/2023: Thương vụ tiếp tục đi làm việc tại trụ sở chính của Ngân hàng Ajman Bank tại tiểu bang Ajman.
  8. Ngày 20/7/2023: Thương vụ tiếp tục đi làm việc với Cảnh sát Dubai để yêu cầu mở hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo DN Việt Nam liên quan đến một khách hàng Dubai và một ngân hàng Ajman.
  9. Ngày 20/7/2023: Hiệp hội tiếp tục có công văn báo cáo các Bộ, Ban, Ngành (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước) về tình hình khấp cấp của sự việc và đề nghị: (i) các quý Bộ, Ban, Ngành hỗ trợ và phối hợp giúp thu hồi được tiền hàng về cho DN đối với 4 lô hàng trị giá gần 400 ngàn USD đã bị lấy ra khỏi cảng; (ii) hỗ trợ và khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Dubai để bằng mọi cách chặn người mua/đại diện người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc của lô hàng làm thủ tục thông quan và lấy hàng ra khỏi cảng theo lịch hàng đến cảng là ngày 26/7/2023. Nếu không kịp can thiệp với hãng tàu, với cảng vụ, với cảnh sát Dubai UAE trước ngày 26/7 là ngày hàng cập cảng thì chắc chắn công hàng Hoa Hồi trị giá 126,3 ngàn USD sẽ tiếp tục bị mất trắng như 4 lô hàng trước.
  10. Ngày 21/7/2023: Bộ Công Thương có công hàm gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội thông báo sự việc và đề nghị Đại sứ quán hợp tác hỗ trợ DN Việt Nam.
  11. Ngày 21/7/2023: Thương vụ đã đến làm việc với cảng vụ Dubai nhưng do ngày lễ nên sẽ tiếp tục đến làm việc vào ngày 24/7/2023.
  12. Ngày 24/7/2023: Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ gửi công hàm cho Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị hợp tác vì tính chất vụ việc nghiêm trọng.
  13. Ngày 24/7/2023: Hiệp hội liên hệ làm việc Đại sứ quán UAE tại Việt Nam.
  14. Ngày 24/7/2023: Hiệp hội liên hệ Ngân hàng Nhà nước để làm việc và đề nghị hỗ trợ.

Hiệp hội đã đề nghị các Quý Bộ, Ban, Ngành, các đối tác đơn vị liên quan khẩn trương xem xét, giúp hỗ trợ Hiệp hội và DN:

1. Đối với Đại sứ quán UAE tại Hà Nội

Với vai trò là đại diện nhà nước và chính phủ các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tại Việt Nam, chúng tôi trân trọng thông báo sự việc này đến Ngài Đại sứ và Đại sứ quán UAE tại Việt Nam được biết và kính đề nghị Ngài Đại sứ xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các DN Việt Nam và phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P. Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp thu hồi tiền hàng cho 4 DN Việt Nam nhưng quan trọng hơn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự khác xảy tiếp tục xảy ra mà ngay trước mắt là 01 container Hoa Hồi dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali ngày 26/7/2023. Khả năng cao lô hàng này cũng có thể sẽ bị lấy mất khi bộ chứng từ gốc đã không còn trong ngân hàng nhờ thu hộ qua nghiệp vụ thanh toán D/P tương tự như 04 lô hàng trước.

Do mất mát tổn thất quá lớn, cùng một đối tượng mua hàng, cùng một ngân hàng, cùng một hình thức lừa đảo có âm mưu, có tổ chức, khả năng có thể có sự cấu kết với ngân hàng/nhân viên ngân hàng, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kính đề nghị ngài Đại sứ Obaid Saeed Bin Taresh Al Dhaheri Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tại Việt Nam khẩn trương yêu cầu các cơ quan chức năng tại UAE, các cơ quan thực thi pháp luật hỗ trợ các DN Việt Nam và các cơ quan liên quan của Việt Nam tại UAE:

  1. Yêu cầu cảng vụ Jebel Ali Port Authority tại UAE giữ lại lô hàng Hoa Hồi trị giá 126.300 USD và không cho lấy hàng ra khỏi cảng.
  2. Yêu cầu cảnh sát Dubai – Local Police Office In Jebel mở chuyên án điều tra để bắt giữ người mua, điều tra và trả lại 4 lô hàng đã bị lấy trước đó cho các DN và giúp thu hồi số tiền hàng cho DN Việt Nam. Đồng thời sớm có biện pháp tạm giữ người đến nhận lô hàng Hoa Hồi theo lịch trình sẽ đến cảng vào ngày 26/7/2023 để điều tra.
  3. Yêu cầu hãng tàu tại Dubai phối hợp hỗ trợ với Cảng vụ Jebel Ali và cảnh sát để tạm giữ lô hàng 26/7 và không cho phép lấy hàng.
  4. Yêu cầu Ngân hàng Trung ương Dubai – UAE xem xét, giám sát thanh tra ngân hàng Ajman Bank PJSC là bên liên đới phải chịu trách nhiệm thu tiền hàng về cho DN Việt Nam theo đúng điều khoản thanh toán D/P.

2. Đối với các Quý Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan liên quan

– Với lô hàng Hoa Hồi đến cảng ngày 26/7: Hiệp hội cũng đã nhận được sự hợp tác của hãng tàu giúp hỗ trợ không cấp Lệnh giao hàng D/O cho người mua khi giao nộp bộ chứng từ gốc do đề nghị của Hiệp hội và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE vì lô hàng đang có tranh chấp. Tuy nhiên chỉ với một thời gian rất hạn chế. Công việc xử lý sắp tới cho lô hàng này cũng sẽ rất khó khăn vì phải tiến hành các biện pháp pháp lý liên quan đến luật sư, toà án, cảnh sát để lấy lại được lô hàng.

– Với 04 lô hàng đã mất: DN và Hiệp hội cũng đã chủ động tính đến các biện pháp pháp lý sắp tới nên rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan chính phủ do vụ việc này khả năng cao có dấu hiệu hình sự, lừa đảo có âm mưu, có tổ chức, có hệ thống, có sự liên đới và trách nhiệm của ngân hàng Ajman thực hiện nghiệp vụ thanh toán nhờ thu D/P.

Hiệp hội và DN cũng đã tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam phải hợp tác, cùng tìm biện pháp hỗ trợ khách hàng, đồng thời báo cáo tham vấn và xin hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và đồng thời thực hiện trách nhiệm của mình là đối tác của ngân hàng Ajman qua nghiệp vụ nhờ thu D/P.

Đến thời điểm này có thể nói rằng vai trò can thiệp kịp thời của các quý Bộ, Ban, Ngành rất là quan trọng trong đó Đại sứ quán Việt Nam tại Dubai, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi công hàm; Thương vụ Việt Nam tại UAE đến làm việc trực tiếp và các cơ quan liên quan của UAE đã tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, để có sự vào cuộc thực sự của các cơ quan thực thi pháp luật của UAE thì rất cần sự tác động và can thiệp hơn nữa, ở cấp cao hơn của Việt Nam chẳng hạn như Bộ Ngoại giao, Đại sứ và Ngân hàng Nhà nước vì tính chất giao dịch nghiêm trọng có sự tham gia của ngân hàng Ajman, là ngân hàng chịu trách nhiệm nhờ thu với đối tác ngân hàng Việt Nam. Toàn bộ chứng từ gốc của lô hàng được ngân hàng Việt Nam gửi đến ngân hàng Ajman, được phát thành công cho ngân hàng và không rõ vì sao ngân hàng đã làm thất lạc bộ chứng từ đến tay người mua trong khi không hoàn thành nghiệp vụ thanh toán D/P với đối tác ngân hàng Việt Nam của người bán. Khi được các ngân hàng Việt Nam truy vấn và yêu cầu cung cấp thông tin thì ngân hàng Ajman không tích cực hợp tác, không phản hồi thông tin và yêu cầu của ngân hàng Việt Nam.

Hiệp hội cho rằng với vai trò quản lý nhà nước trong đó có việc giám sát thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế, Ngân hàng Nhà nước có vai trò và tiếng nói để làm việc với Ngân hàng Trung ương Dubai, yêu cầu ngân hàng Trung ương Dubai xem xét, có biện pháp kiểm tra giám sát ngân hàng Ajman để yêu cầu ngân hàng Ajman phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm là ngân hàng nhờ thu D/P của bên mua với ngân hàng bên bán.

Về phía Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, bước đầu cũng đã gửi công hàm ngoại giao thông báo sự việc với Bộ Ngoại giao UAE cũng như yêu cầu của Việt Nam, cũng như đã có các cuộc làm việc tiếp xúc với ngân hàng Ajman, Cảnh sát… Hiệp hội và các DN trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu này. Tuy nhiên, để tìm hiểu, nắm tình hình sát hơn để tác động phía UAE và đề nghị phía UAE hợp tác tích cực xử lý vụ việc sau khi Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao thì cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, ở cấp cao hơn của Đại sứ, của Bộ Ngoại giao. Hiệp hội rất mong sớm nhận được thông tin từ Đại sứ của Việt Nam tại UAE.

Một lần nữa, do tính chất vụ lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có sự liên đới trách nhiệm của cùng một người mua với cùng một ngân hàng Ajman thực hiện nghiệp vụ nhờ thu D/P đồng thời với tất cả các giao dịch với các ngân hàng Việt Nam nên nếu không nhận được sự xem xét, hỗ trợ, cùng phối hợp để có tác động hơn nữa ở cấp chính phủ gồm Đại sứ, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương thì chắc chắn Hiệp hội và các DN xuất khẩu cùng với các ngân hàng Việt Nam riêng lẻ khó có khả năng lấy lại được gần 400 ngàn USD giá trị lô hàng đã bị cướp mất. Quan trọng hơn là để ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra mà có thể kẻ lừa đảo vẫn là công ty BARFT hay bất kỳ một công ty nào khác với tính chất và thủ đoạn tương tự. Hiệp hội và các DN rất mong nhận được sự quan tâm, sự phối hợp nội bộ chặt chẽ giữa các Quý Bộ, Ban, Ngành để hỗ trợ giúp cho DN hạn chế được tổn thất lớn này.

Hiệp hội trân trọng thông tin đến Quý báo, đài và rất mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ các Quý báo, đài để đưa tin khách quan, kịp thời cập nhật thông tin từ quý Bộ, Ngành, các cơ quan liên quan để cùng góp thêm tiếng nói giúp giải quyết vụ việc hiệu quả, giảm tổn thất và mất mát cho DN trong bối cảnh thị trường thế giới ngày một khó khăn, môi trường kinh doanh ngày càng rủi ro, bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới đầy biến động kể cả tác động yếu tố địa chính trị.

Trân trọng cảm ơn.

VPA