Quế hữu cơ rộng đường xuất khẩu: Khẳng định vị thế ‘bá chủ’ ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Vị thế số 1 thế giới về xuất khẩu quế

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới với diện tích khoảng 180.000ha. Từ năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế.

Năm 2023, sản lượng quế xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần xuất khẩu trên thế giới với các thị trường tiêu thụ chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Hoa Kỳ… Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 90.000 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 260 triệu USD, tăng 14,6% về sản lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Giá quế bình quân đạt 2.918 USD/tấn, giảm 22,1% so với năm 2022.

Trong năm 2023, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam với hơn 38.000 tấn, chiếm 42,6%. Tiếp theo là các thị trường như Hoa Kỳ với hơn 10.100 tấn, chiếm 11,4%; Bangladesh gần 6.000 tấn, chiếm 6,2%…

2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu quế của Việt Nam đạt gần 10.500 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính với gần 3.200 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 30,3%. Hoa Kỳ thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 giảm nhẹ 0,8%, đạt 1.274 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu quế sang các nước châu Âu tăng 12,7%, đạt 1.235 tấn, đặc biệt xuất khẩu sang Anh tăng 94,4%.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế của nước ta rất lớn bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai và một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam…

Thời gian qua, nông dân đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm canh tác để cải thiện về chất lượng và năng suất cây quế, có sự thích ứng và tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh. Thêm vào đó, các mô hình liên kết sản xuất ngày càng được tổ chức chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để dần từng bước mở rộng vùng nguyên liệu bền vững.

Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chính sách, quy định khuyến khích khối tư nhân tham gia vào các dự án nông nghiệp, trong đó ngành gia vị, cây dược liệu đã có sự phát triển và bứt phá theo hướng bền vững, hữu cơ, có quy mô vùng trồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ đáp ứng yêu cầu chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nhu cầu về gia vị của thế giới vẫn ở mức cao, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại, cho ra sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Các vùng nguyên liệu của nước ta cần nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Các vùng nguyên liệu của nước ta cần nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, với 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP, CREP đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Chế biến sâu để gia tăng giá trị

Hiện nay, quế Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 100 quốc gia trên thế giới, chiếm 95% thị phần tại thị trường Ấn Độ, 36,5% tại thị trường Hoa Kỳ và 35% thị trường châu Âu. Các sản phẩm quế nước ta đã chiếm lĩnh hầu hết tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm 18,6%, đạt 18.659 tấn, trong đó 70% xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tỷ lệ xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm 12%. Do đó trong tương lai, ngành quế Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng sau thu hoạch và chế biến để gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Hoa kỳ…

Thị trường đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm quế với một số yêu cầu cơ bản như: Tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững, kể cả các yếu tố môi trường, xã hội; đảm bảo chất lượng, kể cả việc kiểm soát và đáp ứng yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm) theo quy định thị trường; nhu cầu phân khúc hàng hữu cơ, sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ sức khoẻ… ngày càng lớn.

Nông dân cần phải thay đổi về phương thức canh tác quế để sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Nông dân cần phải thay đổi về phương thức canh tác quế để sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Chính vì vậy, nông dân cần phải thay đổi về phương thức canh tác, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng và bón phân đúng theo quy trình canh tác. Chủ động tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó có thể yên tâm trong việc canh tác theo quy trình doanh nghiệp đưa ra, dược doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn và sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp hỗ trợ thu mua theo giá thị trường.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu để nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn với mô hình liên kết nông dân – nhà xuất khẩu – người mua cuối. Quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng các chuỗi giá trị để liên kết nông dân với doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu. Khuyến khích ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và các chương trình bền vững.

Tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, bao gồm việc nhà nước khuyến khích, thúc đẩy thành lập các HTX, tổ sản xuất tại vùng nguyên liệu để làm đối tác của nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương tại vùng nguyên liệu rất quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng, tổ chức cho người dân tham gia vào các tổ, đội, HTX để kết nối với doanh nghiệp đến liên kết sản xuất tại địa phương. Thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải carbon, thân thiện với môi trường…

Để trở thành nhà cung cấp quế bền vững hàng đầu thế giới.

Theo bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, ngành quế Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới. Cần có thêm các nghiên cứu khoa học để kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định mức dư lượng tối đa, tìm kiếm các giải pháp xử lý sâu bệnh phù hợp. Khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế và có biện pháp, chế tài kiếm soát hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không hợp pháp, không có trong danh mục quản lý của nhà nước.

Xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chế biến sâu sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại là những giải pháp tối ưu để gia tăng sản lượng và giá trị quế xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chế biến sâu sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại là những giải pháp tối ưu để gia tăng sản lượng và giá trị quế xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ở quy mô quốc gia cho gia vị Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Việc này không thể thiếu được vai trò điều phối đầu mối của cơ quan quản lý nhà nước để việc xây dựng thương hiệu được thực hiện chuyên nghiệp, có quy mô, không manh mún và tạo hiệu ứng lan toả cho cả ngành hàng trên thị trường toàn cầu.

Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay vốn ưu đãi đúng và kịp thời để bà con yên tâm canh tác, giữ vườn, bảo đảm diện tích để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, xuất khẩu. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi hoặc trợ cấp một phần chi phí đầu tư dây chuyền công nghệ cao để tăng chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình hợp tác công – tư nhằm tập hợp sức mạnh và tiếng nói các bên liên quan trong chuỗi cung ứng quế Việt Nam. Chia sẻ thông tin, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ và tham vấn chính sách trong chiến lược xây dựng và phát triển đồng bộ ngành hàng trong dài hạn giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp quế bền vững hàng đầu trên thế giới.

Theo bà Hoàng Thị Liên, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và phát triển thương hiệu, tăng cường chế biến sâu, đặc biệt là các loại gia vị chế biến từ trang trại đến bàn ăn để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trên thế giới. Thương mại điện tử là một trong những lựa chọn để doanh nghiệp, nhà xuất khẩu xem xét đầu tư, phát triển ngành hàng, tăng sự hiện diện sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng qua hình thức B2C (mô hình mà người bán kết nối với người mua thông qua các sàn thương mại điện tử) đang ngày càng trở nên phổ biến.

Theo Nongnghiep.vn