Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra sáng nay (29/6) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, với việc phát huy các lợi thế tiềm năng của ngành lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản ngành sẽ không thay đổi các chỉ tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu, nông thôn mới trong năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của ngành hết sức nặng nề, khó khăn, với yêu cầu đặt ra là các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm phải đạt kế hoạch đề ra. Hạn hán mặn xâm nhập ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; dịch Covid 19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do sự “đứt gãy” của chuỗi cung ứng nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 1,18% so với cùng kỳ năm ngoái, Trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% đáng chú ý là chăn nuôi “thoát tăng trưởng âm” với mức tăng 1,05%; lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%….
Để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành trong năm nay, một số ý kiến cho rằng, ngoài ra, công tác tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa khâu nguyên liệu, chế biến và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng 3%; cá tra sau thời điểm giảm sâu đến nay đã có dấu hiệu hồi phục.
Nhận định về xuất khẩu sản phẩm thủy sản từ nay đến cuối năm, ông Luân cho rằng, về mục tiêu xuất khẩu qua đánh giá những thị trường xung quanh chúng ta đối với nhiều sản phẩm vì dịch Covid 19 xảy ra kéo dài và có nguy cơ quay trở lại thì sản xuất ở các nước hiện nay cũng bị đình trệ, đây là một trong những cơ sở để tin tưởng rằng thời gian tới chúng ta sản xuất tốt ở trong nước. Đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu, các sản phẩm để đáp ứng cho các thị trường và sau khi có các tín hiệu và hoạt động giao thương kết nối trở lại lúc đó chúng ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản đã được chuẩn bị sẵn sàng vào các thị trường để tiêu thụ. Theo đó, có thể tin tưởng là đạt mục tiêu về xuất khẩu hơn 9 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2020 đạt 2,5% đến 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ đô la, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, toàn ngành phải nỗ lực vượt bậc theo phương châm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết bất thuận, đặc biệt khi cuối năm là mùa mưa bão.
Do đó, các đơn vị trực thuộc Bộ phải lên kế hoạch thích ứng, ứng phó để hạn chế thấp nhất sự tổn thương từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ thiên tai. Bên cạnh đó, các lĩnh vực, ngành hàng phải tận dụng khai thácnhững thế mạnh từ dư địa để phát triển thị trường trong nước, tranh thủ thời cơ về nhu cầu thị trường cho xuất khẩu khi dịch Covid 19 được khống chế tốt. Điển hình là lúa gạo, trái cây, thủy sản…
Thúc đẩy hơn nữa ngành chăn nuôi phát triển toàn diện, đồng thời tái đàn lợn khẩn trương, nhanh chóng nhưng phải an toàn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu toàn ngành quyết tâm đồng bộ trong tái cơ cấu nông nghiệp với sự đồng hành cùng vào cuộc của các khu vực: Chính phủ, các Bộ, ngành, người dân cùng doanh nghiệp. Cùng với đó là tập hợp sức mạnh từ Trung ương đến địa phương để khắc phục tốt nhất nhất những tác động từ đại dịch Covid 19, dịch bệnh hại trên cây trồng vật nuôi để tập trung cho sự phát triển ngành.
Khẳng định quyết tâm của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiên quyết sẽ không thay đổi chỉ tiêu kể cả chỉ tiêu tăng trường; xuất khẩu; nông thôn mới; môi trường. Bởi vì chỉ có quyết tâm cao nhất mới đạt được kết quả cao nhất trong hoàn cảnh cụ thể.
Để đảm bảo những mục tiêu đó những tháng cuối năm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết bất thuận, giảm thấp nhất những tổn thương từ biến đổi khí hậu và đặc biệt là thiên tai. Các lĩnh vực, ngành hàng phải tận dụng khai thác những thế mạnh từ “dư địa” như lúa gạo, trái cây, thủy sản…đi đôi với thúc đẩy hơn nữa ngành chăn nuôi phát triển toàn diện, đồng thời tái đàn lợn khẩn trương, nhanh chóng nhưng phải an toàn./.