Mỹ: ’90 ngày chạy nước rút’ cứu chuỗi cung ứng

Để không phải chứng kiến cơn ác mộng lạm phát kinh hoàng, ông Biden và các doanh nghiệp Mỹ thống nhất cùng thực hiện kế hoạch ’90 ngày chạy nước rút’ cứu chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia đã và đang báo động về tình trạng căng thẳng tột độ của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại và nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Mỹ – nền kinh tế số một thế giới. Mỹ sẽ là nước có nguy cơ chứng kiến cơn ác mộng lạm phát kinh hoàng nhất so với phần còn lại của thế giới, nếu chuỗi cung ứng không mau chóng được nối lại suôn sẻ.

Làm việc 24/7 trong 90 ngày

Cảng Los Angeles và cảng Long Beach ở bang California (xử lý 40% lưu lượng container hàng vào Mỹ) bị kẹt nặng. Một lượng lớn tàu hàng và hàng ngàn container trên đó vẫn đang nằm chờ ở cảng Los Angeles và cảng Long Beach. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều cảng ở New York, Savannah, Georgia, theo tạp chí The Atlantic. Lý do vì nhu cầu vận chuyển tăng cao bất thường, trong khi đó xe tải, tài xế, cả nhân viên cảng lại thiếu nặng.

Mỹ đang thiếu nghiêm trọng tài xế để phân phối hàng từ cảng đến kho, cửa hàng… Hiệp hội vận tải đường bộ Minnesota ước tính Mỹ đang thiếu tới 60.000 tài xế. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cơ bản đều liên quan đến dịch, nghỉ việc nhiều, quy trình tuyển dụng bị ảnh hưởng, các lớp đào tạo bị hủy.

Tàu hàng neo đậu tại cảng Long Beach ở bang California (Mỹ) chờ được dỡ container ngày 9-10. Ảnh: TIM RUE/BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là xử lý được tình trạng tắc nghẽn trước mắt này, mà còn giải quyết những điểm yếu lâu nay trong chuỗi cung ứng vận tải mà đại dịch lần này đã phơi bày.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN

Có thể thấy các mắt xích của chuỗi cung ứng đều đang có vấn đề. Bên cạnh đó, thị trường lao động Mỹ cũng đang thiếu hụt, các công ty sản xuất vẫn đang phải vật lộn tuyển người.

Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã thành lập Đội đặc nhiệm xử lý tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng từ tháng 6. Tuy nhiên, diễn biến mới này đã khiến chính phủ trực tiếp vào cuộc. Theo trang tin The Hill, ngày 13-10, Tổng thống Biden họp với các quan chức cấp cao, các nhà điều hành cảng biển, các hiệp hội vận tải, các liên đoàn lao động và giám đốc điều hành các hệ thống siêu thị, giao nhận.

Theo thông báo của Nhà Trắng sau cuộc họp, chính phủ đã thống nhất với lãnh đạo các cảng biển và một số doanh nghiệp lớn về kế hoạch “90 ngày chạy nước rút”. Nhà Trắng cho biết giữa các doanh nghiệp thuộc cả lĩnh vực công và tư đã cùng cam kết tháo gỡ tắc nghẽn hệ thống giao thông chuỗi cung ứng quốc gia – cảng, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, hậu cần.

Theo đó, trong 90 ngày, hàng loạt cảng – đặc biệt là cảng Los Angeles và cảng Long Beach ở bang California vốn nhận 40% lưu lượng container vào Mỹ – sẽ làm việc 24/7 để đẩy nhanh tiến độ xử lý container cập cảng. Trước nay hai cảng này chỉ làm năm ngày/tuần, nghỉ vào buổi tối và cuối tuần. Theo đó, từ giờ mỗi tuần các cảng sẽ có thêm 60 giờ mở cửa dỡ hàng.

Đã có sáu doanh nghiệp lớn – Walmart, UPS, FedEx, Samsung, The Home Depot, Target – thông báo sẽ làm thêm giờ để giải tỏa hàng ở các cảng nhanh hơn. Liên minh Kho vận và Bờ biển quốc tế cho biết các thành viên sẵn sàng làm thêm giờ. Theo đó, dự kiến mỗi tuần các cảng sẽ xử lý được thêm 3.500 container hàng.

Các sở xe cơ giới ở các bang sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp bằng lái xe thương mại nhằm tăng lượng tài xế. Các hệ thống vận tải đường bộ và đường sắt sẽ làm thêm giờ.

Sẽ khó giải quyết một sớm một chiều

Sau cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp, ông Biden nói trước mắt ông kêu gọi sự hỗ trợ từ lĩnh vực tư nhân với niềm tin rằng kế hoạch này “có khả năng sẽ thay đổi cuộc chơi” nhưng nếu cần, ông sẽ không ngần ngại chỉ đạo sự hỗ trợ từ liên bang.

Chủ tịch, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark tin tưởng tình hình sẽ được cải thiện thấy rõ một khi các doanh nghiệp Mỹ trực tiếp giải quyết vấn đề.

GS kinh tế Austan Goolsbee, từng là chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế (CEA) thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng bước đi của ông Biden mở rộng năng lực của các cảng biển là “quan trọng và đúng đắn”, tuy nhiên sẽ chỉ khơi thông phần nào chứ không giải quyết triệt để được sự tắc nghẽn.

Chuyên gia về chuỗi cung ứng và hậu cần Margaret Kidd tại ĐH Houston (Mỹ) cũng đồng tình rằng đây không phải là thứ sẽ biến mất “một sớm một chiều” và “chúng ta sẽ còn cảm nhận nó trong 12-18 tháng tới”. Theo bà, thời gian cụ thể sẽ tùy vào tình hình dịch. Để đưa chuỗi cung ứng hoạt động suôn sẻ trở lại thì “chúng ta phải làm phẳng đường cong dịch trên toàn cầu”.

Vài ngày trước, trả lời câu hỏi của hãng tin Bloomberg rằng liệu chuyện gián đoạn chuỗi cung ứng có được giải quyết trước kỳ lễ Giáng sinh hay không, Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg nói rằng đây sẽ là “vấn đề dài hạn”. The Hill cũng cho biết nhiều quan chức chính phủ Mỹ tránh đưa ra lời hứa hay lời bảo đảm nào rằng tình hình sẽ được giải quyết sớm.

Chủ tịch, Tổng giám đốc Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ Matthew Shay nói về lâu dài, cần phải tạo được một chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu có sức chống đỡ tốt hơn.

Thời điểm khó khăn của ông Biden

Theo GS kinh tế Austan Goolsbee, (từng là chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế (CEA) thời Tổng thống Barack Obama), rõ ràng đây là thời điểm nguy hiểm với chính phủ ông Biden. Theo ông, không cần biết nguyên do gì khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, lịch sử cho thấy người dân không kiên nhẫn với những vấn đề như vậy.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Biden đã giảm từ 52,7% thời điểm tháng 6 xuống còn 44,5% cuối tháng 8, theo Công ty phân tích thống kê FiveThirtyEight (Mỹ).

Giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 9 so với mức tháng 8 và tăng 5,4% so với tháng 9-2020, chủ yếu vì đà tăng ở các mặt hàng năng lượng, thực phẩm, chi phí nơi ở. Đảng Cộng hòa nhiều tháng nay đã chỉ trích ông Biden không có chính sách phù hợp để kiềm chế tình trạng lạm phát và sẽ không bỏ qua cơ hội tấn công ông Biden nếu diễn biến còn tồi tệ hơn.

Theo PLO