Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới thế giới

Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng đuối, đồng nghĩa nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ thiếu vắng một đầu tàu tăng trưởng… 

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II yếu ớt so với quý I, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ của nước này lập kỷ lục mới trong tháng 6/2023. Những số liệu này là bằng chứng mới nhất về đà phục hồi đang ngày càng đuối của kinh tế Trung Quốc, đồng nghĩa nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ thiếu vắng một đầu tàu tăng trưởng. Nền kinh tế Trung Quốc đang đuối sức rõ rệt. Báo cáo GDP quý II của Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các biện pháp kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như các điều chỉnh chính sách nhằm giúp phục hồi niềm tin ở khu vực kinh tế tư nhân và đẩy mạnh tăng năng suất lao động.

Tăng trưởng kinh tế mất đà giữa lúc người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và xuất khẩu tụt dốc đang đặt ra sức ép ngày càng lớn đòi hỏi Bắc Kinh triển khai các biện pháp kích cầu mới, nhưng một gói kích thích quy mô lớn có thể khiến gánh nặng nợ nần thêm căng thẳng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản và tình hình tài chính bấp bênh của các chính quyền địa phương càng khiến bức tranh kinh tế Trung Quốc thêm phần ảm đạm.

Các số liệu kinh tế gây thất vọng

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố tuần vừa rồi cho thấy GDP chỉ tăng 0,8% trong quý II so với quý I. Hơn 1/5 số lao động trong độ tuổi từ 16 – 24 ở nước này đang thất nghiệp. Nếu so với mức tăng trưởng 2,2% đạt được trong quý I, tốc độ tăng trưởng của quý II bằng chưa đầy một nửa. Kết quả này phản ánh doanh thu bán lẻ yếu, đầu tư suy giảm ở khu vực kinh tế tư nhân, và sự đảo chiều của xuất khẩu – lĩnh vực đã tăng trưởng bùng nổ và giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời gian đại dịch nhưng hiện đang gặp khó vì lãi suất tăng cao ở các nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh như vậy, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thực sự là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Bắc Kinh.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Trung Quốc thực ra đã tăng tốc, với mức tăng 6,3% trong quý II so với mức tăng 4,5% của quý I, nhưng do cơ sở so sánh thấp. Mức tăng này cũng thấp hơn nhiều so với con số dự báo tăng 6,9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal. Quý II năm ngoái, nền kinh tế nước này sụt tốc mạnh vì các đợt phong tỏa nối tiếp nhau để chống COVID-19. Cũng do cơ sở so sánh là năm 2022 ở mức thấp, Trung Quốc vẫn có thể đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà giới chức nước này đề ra cho năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng trưởng như vậy sẽ không đủ để Trung Quốc gánh vác trọng trách đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay như đã được kỳ vọng hồi đầu năm.

Đầu năm nay, khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid, nền kinh tế nước này đã nhanh chóng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế. Cả thế giới nhìn vào Trung Quốc và hy vọng rằng việc người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này hào phóng mở hầu bao sẽ giúp nền kinh tế khởi sắc trong suốt cả năm, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ hồi sinh… Tất cả những điều này sẽ tạo ra động lực kéo nền kinh tế thế giới giữa lúc nhu cầu ở các nền kinh tế phương Tây suy yếu vì lạm phát cao dai dẳng và lãi suất tăng cao. Nhưng các số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc cho thấy niềm tin đó đã bị đặt nhầm chỗ. Doanh thu bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với tháng 5, một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình đã trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu. Theo giới chuyên gia kinh tế, sự thận trọng này phản ánh rằng người tiêu dùng đang lo lắng về công ăn việc làm và tình hình của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp toàn phần của khu vực thành thị ở Trung Quốc giữ ở mức 5,2% trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ tiếp tục tăng, lên mức 21,3% từ mức 20,8% trong tháng 5. Đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng 5, do tình trạng yếu ớt ở lĩnh vực bất động sản. Sản lượng công nghiệp tăng 0,7%.

So với ở các nền kinh tế lớn khác, sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ở Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt. Ở Hoa Kỳ và châu Âu, tiêu dùng tăng mạnh sau khi mở cửa trở lại nhờ các gói hỗ trợ khổng lồ của chính phủ trong thời gian đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát tăng vọt, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh Nga–Ukraine, đẩy giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tăng cao. Ở Trung Quốc lại khác, lạm phát trong tháng 6 ở nước này là 0%. Mức lạm phát này thậm chí còn yếu hơn cả ở Nhật Bản, quốc gia từ nhiều năm qua được xem là điển hình của tăng trưởng kinh tế trì trệ và giảm phát.

Kinh tế thế giới thiếu động lực

Gần đây, kinh tế Hoa Kỳ đã phát đi một số tin tốt như: lạm phát tháng 6 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sớm có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mà không “nhấn chìm” nền kinh tế. Dù vậy, vẫn có nhiều tổ chức dự báo cho rằng kinh tế Hoa Kỳ có thể rơi vào một cuộc suy thoái, nhiều khả năng là suy thoái nông, vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Ở châu Âu, lạm phát vẫn cao dai dẳng, đòi hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi FED đã dừng thắt chặt. Giới chuyên gia cũng cho rằng nếu kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, kinh tế châu Âu cũng sẽ suy thoái theo. Các chỉ báo kinh tế toàn cầu khác đều đang phản ánh đà tăng trưởng suy yếu. Hoạt động sản xuất giảm sút trên diện rộng, trong khi thương mại xuống dốc. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại trong nửa sau của năm nay, do cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương gây hệ quả đối với hoạt động kinh tế. Theo WB, kinh tế toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay, giảm tốc mạnh từ mức tăng 3,1% ghi nhận trong năm 2022.

Nền kinh tế Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng đối với công ăn việc làm và hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, bởi Trung Quốc vừa là một thị trường lớn, vừa là một “công xưởng” của thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng 22,6% trong tăng trưởng của thế giới, cao gấp đôi so với tỷ trọng của Hoa Kỳ. Một kênh ảnh hưởng chính của kinh tế Trung Quốc đến kinh tế thế giới là thông qua thương mại, những quốc gia xuất khẩu nhiều khoáng sản như Brazil và Australia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản ở Trung Quốc. Giá của nhiều kim loại từ quặng sắt tới đồng đã giảm trong năm nay vì nhu cầu ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới cho các kim loại này, không phục hồi nhanh như dự kiến.

Theo VnEconomy.vn