Hình 1 – Diễn biến chỉ số đô la Mỹ (DXY)
Dù phiên giao dịch 17-5-2019 chưa chạm đỉnh lập cuối tháng 4-2019, DXY vẫn nằm mức cao ở 97,852 (hình 1)Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) trên thị trường kỳ hạn New York sau khi chạm đỉnh vào đầu năm 2017 tại 103,815 điểm đã chỉ trong vòng 13 tháng chỉnh giảm xuống mức thấp 88,15 điểm vào tháng 2-2018. Từ bấy đến nay, chỉ số DXY từ từ tăng dần theo hướng đáy và đỉnh sau cao hơn trước để đến cuối tháng 4-2019 đạt điểm cao nhất tại 98,085 điểm (xem hình 1).
Đô la Mỹ là một trong các đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới đồng thời cũng được sử dụng làm phương tiện giao dịch và thanh toán trên nhiều sàn kỳ hạn hàng hoá. Giá trị đồng đô la Mỹ tăng – được biểu thị bằng chỉ số DXY – khiến người kinh doanh hàng hoá trên các sàn phái sinh như cà phê, bông vải, đậu nành, kim loại vàng, dầu thô…phải bán bớt hàng hoá đang giữ để cân đối chi phí tài chính cao hơn.
Trong trường hợp này, người giữ hàng phải bán bớt hàng trữ và hệ quả là giá hàng hoá giảm. Ngược lại, khi DXY giảm, người giữ hàng hoá tự nhiên có tiền nhiều hơn và nhờ chi phí tài chính rẻ hơn, nên họ có khả năng mua thêm hàng vào dự trữ và giúp giá sàn phái sinh của loại hàng hoá đó tăng.
Điều này được thể hiện rõ khi chỉ số CRB, biểu thị cho rổ gồm 19 loại hàng hoá được giao dịch bằng đồng đô la giảm liên tục đến 40% trong lúc DXY tăng 20% tính từ xuất phát điểm từ năm 2014 (hình 2).
Hình 2. Chỉ số đô la Mỹ và chỉ số rổ hàng hóa.
Trung Quốc đáp trả nhanh chóng bằng cách áp thuế nhập khẩu trên 60 tỉ đô la trên hàng từ Mỹ lên 20% và 25% tuỳ loại, trong đó cà phê, thịt bò, các sản phẩm dệt may và một số hàng công nghệ với mức cao nhất.DXY theo hướng tăng trong thời gian qua được cho xuất phát từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung Quốc với thế thắng có vẻ đang nằm phía Mỹ. Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đi vào bế tắc khiến Mỹ đã áp thuế lên mức 25% lên 200 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đang sẵn sàng đánh thêm 300 tỉ đô la với mức thuế cao tương tự.
Qua cuộc đấu đá thương mại giữa hai cường quốc, nền kinh tế Trung Quốc tỏ ra bị tổn thương hơn do nền sản xuất định hướng xuất khẩu mạnh hơn. Chính vì thế, đồng nhân dân tệ (CNY) liên tục bị giảm giá và đẩy DXY tăng cao hơn, không chỉ so với CNY mà còn một số đồng nội tệ của các nước xuất khẩu hàng hoá nông sản quan trọng khác như đồng Reais Brazil (BRL).
Trên thị trường nông sản thế giới, Brazil chỉ là nước xuất khẩu hồ tiêu mới nổi. Nhưng do đồng BRL yếu trước một đồng đô la Mỹ mạnh hơn, họ đã bán hồ tiêu ào ạt với giá rẻ. Hệ quả là giá xuất khẩu hồ tiêu các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Ấn Độ giảm không phanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018 loại đen giảm 410 đạt 2.691 đô la Mỹ/tấn và loại trắng giảm 1.212 đô la chỉ đạt 3.353 đô la/tấn.
Hình 3 – Đồng Reais Brazil (BRL) yếu làm thị trường cà phê giảm mạnh. |
Trên thị trường cà phê thế giới, không chỉ do DXY mạnh mà còn vì BRL yếu, đã làm giá hai sàn cà phê giảm trầm trọng.
Đồ thị hình 3 cho thấy khi 3,65 BRL ăn 1 đô la Mỹ, giá cà phê New York, nơi các nhà kinh doanh cà phê arabica như Brazil và Colombia thường sử dụng làm tham chiếu còn ở mức 107 xu/lb (cts/lb) tương đương với 2.359 đô la/tấn; khi 3,9 BRL ăn 1 đô la, giá arabica còn 92 cts/lb (2.028 đô la). Cuối tuần trước, BRL vượt xuống dưới mức tâm lý quan trọng 1 đô la “ăn” 4 BRL chạm 4,1 BRL, giá cà phê arabica quay về vùng 88-89 cts/lb hay chừng 1.951 đô la/tấn.
Một nhà phân tích thị trường cho rằng do giá arabica rẻ, nông dân Brazil giữ lại loại cà phê ấy. Ngược lại họ tranh thủ ồ ạt bán robusta. Vì thế giá kỳ hạn robusta tuần qua đã giảm mạnh từ đỉnh 1.410 đô la/tấn đầu tuần trước xuống chạm 1.292 đô la và đóng cửa tại 1.301 đô la/tấn trong ngày giao dịch 17-5-2019.
Phần trên chỉ đơn cử một vài loại hàng hoá nông sản xuất khẩu mà Brazil có thế mạnh, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến giá kỳ hạn và xuất khẩu đối với các nước sản xuất nông sản khác trong đó có Việt Nam, cũng là nước có thế mạnh không kém.
Ngoài ra, các thị trường kỳ hạn bông vải, bắp, đậu nành, ca cao… cũng chịu chung số phận.
Thật vậy, các nhà kinh doanh nông sản đang phải đương đầu với rủi ro, không chỉ xuất phát từ giá mua bán bình thường theo giá trị đích thực của loại nông sản đang kinh doanh, mà còn chịu tác động của các đợt sóng lên xuống của giá trị thị trường tiền tệ.
Nhìn từ hiện trạng của ‘’bức tranh’’ tiền tệ, chưa ai dám khẳng định giá nông sản sẽ tăng lại trong thời gian ngắn và trung hạn. Chưa bàn tới yếu tố cung-cầu, chỉ đặt thị trường nông sản trong toàn cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, giá nông sản xuất khẩu và thị trường kỳ hạn còn gây khó khăn cho nông dân và các nhà xuất khẩu nông sản cả thế giới và Việt Nam.
Cần tìm các biện pháp và phương thức mua bán an toàn, tự bảo vệ mình bằng nhiều công cụ kinh doanh khác nhau để bảo toàn vốn, làm sao để hạn chế thua lỗ trong kinh doanh nông sản hiện nay và những tháng ngày tới có thể được xem là một thành tích lớn của từng doanh nghiệp trước trận chiến không chỉ trong thương mại giữa Mỹ – Trung mà còn trong tiền tệ.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn