Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai điều lệ Hiệp hội, nhiệm vụ năm 2024

Ngày 25/01/2024 tại TPHCM, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai điều lệ Hiệp hội, nhiệm vụ năm 2024. Tham dự Hội nghị có đại diện Cục XNK – Bộ Công Thương, đại diện Vụ Tổ chức phi chính phủ – Bộ Nội vụ, cùng đại diện một số Sở Nông nghiệp các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và gần 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, các HTX… thành viên Hiệp hội tham dự Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp – Vụ Tổ chức phi chính phủ thay mặt Bộ Nội vụ thông báo quyết định đổi tên Hiệp hội
 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Văn Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội đã cho hay, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) thì sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 đạt 539 ngàn tấn, giảm 4,3% so với năm 2022. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ Brazil, Ấn Độ và Indonesia. Vào thời điểm này, hồ tiêu thế giới đang bước vào vụ thu hoạch chính diễn ra tại các quốc gia sản xuất lớn nhất, gồm Việt Nam, Ấn Độ, và miền Nam của Brazil. IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn. Tuy nhiên, mức sụt giảm thực tế có thể còn cao hơn nữa. Vì trong dự báo của IPC, năm 2024, Brazil và Ấn Độ sẽ tăng sản lượng, trong khi giảm tại Việt Nam. VPSA nhận định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ thu hoạch năm nay trễ hơn năm ngoái. Dự kiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 đạt 264.094 tấn, trị giá đạt 905 triệu USD, tăng 13,5% về khối lượng, nhưng giảm 8% về giá trị. Dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá sẽ tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Ông Vũ Văn Hải – Phó Chủ tịch VPSA báo cáo về tình hình ngành hàng Hồ tiêu và gia vị năm 2023

Ông Nguyễn Tấn Hiên – Phó Chủ tịch VPSA báo cáo về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp năm 2023

Bà Trần Như Trang – Đại diện Sippo Việt Nam trình bày về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam theo khảo sát điều tra của Hiệp hội 

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong năm 2023 đạt 3.585 USD/tấn, giảm 420 USD/tấn so với năm 2022; tiêu trắng đạt 5.091 USD/tấn, giảm 635 USD/tấn. Châu Á là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt 60.135 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Tiếp theo là các thị trường Ấn Độ: 12.812 tấn, chiếm 4,9% và tăng 4,2%; UAE: 12.132 tấn, chiếm 4,6% giảm 24,7%; Philippine: 8.021 tấn, chiếm 3,0% tăng 27,5%. Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8% và xuất khẩu tăng 0,3% trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5% giảm 0,8% so với năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường châu Âu chiếm 19,5% giảm 1,4% so với năm ngoái. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 7,8%.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPSA, vào các tháng 11 và 12/2023, hạn hán xảy ra ở Brazil với mức độ khốc liệt, đã ảnh hưởng đến nhiều vùng trồng tiêu, nhất là những vùng sẽ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6/2024. Do đó, sản lượng hồ tiêu ở Brazil có thể sẽ giảm trong năm nay. Do đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá hạt tiêu Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết Giáp Thìn, khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý 2 hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng. Điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm. Dù giá tiêu được dự báo là sẽ tăng lên, nhưng cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ một số cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng. Trong thời gian qua, nhiều vườn tiêu đã bị nông dân chặt bỏ để thay thế bằng loại cây ăn trái này.

Ông Lê Anh Sơn – Giám đốc HTX Bình Minh trình  bày về những khó khăn và thách thức trong liên kết sản xuất Hồ tiêu

Ông Lê Quí Hòa Binh – Trưởng phòng chứng nhận Control Union trình bày về những yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ

Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục BVTV báo cáo về những quy định của Cục trong thời gian vừa qua

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, việc nông dân chuyển từ hồ tiêu sang sầu riêng là khó tránh khỏi, khi lợi nhuận từ sầu riêng hiện đang cao hơn rất nhiều so với hồ tiêu. Tuy nhiên, nông dân chỉ nên thay thế cây tiêu bằng sầu riêng hoặc cây trồng khác ở những nơi đất đã thoái hóa hay có nhiều sâu bệnh hại đến mức không thể tái canh được. Những vườn tiêu vẫn đang tốt cần được giữ lại bởi đây là loại cây có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.

Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, VPSA cho rằng bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính cũng sẽ giảm khi dự báo từ các nước sản xuất đều giảm. Tuy nhiên, theo VPSA, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn.

Cụ thể, ngoại trừ Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột địa chính trị tại một số khu vực. Đồng thời, tác động cuộc chiến Israel – Hamas cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Đặc biệt, xuất khẩu nhiều loại nông sản sẽ phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu.

Năm vừa qua, do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có sự biến động mạnh, đã tác động gây khó khăn cho thương mại hồ tiêu.

Do đó, VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này. EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.

VPSA cho biết Việt Nam nhập khẩu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. VPSA cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu”.

Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Do đó ngành hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước bao gồm sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng trong chuỗi bền vững để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định mà Chính phủ đang trong quá trình xây dựng cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.

Trao giấy chứng nhận Hội viên mới cho các doanh nghiệp mới tham gia Hiệp hội

Theo VPSA, hiện nay việc phát triển hồ tiêu và cà phê bền vững bị mâu thuẫn với phát triển sầu riêng bền vững vì mã số vùng trồng của sầu riêng phải trồng chuyên canh, trong khi nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đang trồng xen canh nhiều loại cây: tiêu, sầu riêng, cà phê…

Để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều hộ dân đã và đang phá bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng độc canh cây sầu riêng. Trước thực trạng này, VPSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam.

VPSA tổng hợp