Thực hiện báo cáo kiểm kê, giảm phát thải KNK
Theo bà Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu – Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), những đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước được quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, nghĩa vụ thực hiện kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK cho các cơ sở theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về danh sách các đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK (cập nhật 2 năm 1 lần).
“Như vậy, việc đầu tiên doanh nghiệp (DN) phải biết được mình có thuộc danh sách trong Quyết định 01 có nghĩa vụ báo cáo kiểm kê phát thải KNK hay không? Danh sách sẽ được cập nhật 2 năm/1 lần. Do vậy DN cần theo dõi để biết mình có phải là thành phần bắt buộc không, sau đó hoàn thành nghĩa vụ báo cáo”, bà Hạnh chia sẻ.
Cũng theo bà Hạnh, báo cáo kiểm kê, giảm phát thải KNK khác với báo cáo môi trường, bên cạnh dựa vào những thông số sẵn có, DN đồng thời phải xác định được kế hoạch, nguồn lực cho thực hiện giảm phát thải như thế nào?
“Các DN trong lĩnh vực nhà nước bắt buộc phải giảm phát thải sẽ phải chịu hạn mức giảm phát thải, nếu DN không đáp ứng yêu cầu sẽ bị xử phạt. Do vậy, đầu tiên DN phải biết DN đang đứng ở đâu, sau đó có chiến lược giảm phát thải KNK như dựa trên công nghệ, kế hoạch đầu tư của DN”, bà Hạnh khuyến cáo.
Trong trường hợp DN không trực tiếp giảm được phát thải KNK thì có thể tham gia thị trường các-bon để trao đổi hạn ngạch hoặc tín chỉ các-bon nhằm đạt được yêu cầu giảm phát thải KNK của Chính phủ nhưng với chi phí thấp hơn là bị phạt.
Nhiều hội thảo cung cấp thông tin, đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo kiểm kê KNK và tham gia thị trường các-bon mô phỏng được cơ quan chức năng tổ chức (Ảnh: Thu Hường). |
“Để giúp các DN có thể đưa ra các quyết định tối ưu cho hoạt động của mình trong quá trình thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải KNK, trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng quản lý dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) và Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), chúng tôi cung cấp các khóa đào tạo kiến thức về thị trường các-bon cho DN, qua đó DN ra quyết định tham gia vào thị trường như thế nào nhằm có lợi nhất, tối ưu nhất cho mình”, bà Hạnh cho hay.
Làm sao để chọn được đơn vị tư vấn đủ năng lực?
Đây là câu hỏi mà nhiều DN đặt ra và cũng là câu hỏi khá thách thức và khó khăn, được xem là nút thắt trở ngại để các DN có thể triển khai các hoạt động giảm phát thải.
“DN cần chú ý, báo cáo cao hơn hay thấp hơn thì đều có những tác động tiêu cực đối với nghĩa vụ của DN thực hiện giảm phát thải KNK về sau. Chúng tôi chỉ khuyến nghị DN cố gắng báo cáo có độ chính xác cao nhất”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Bà Hạnh cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều các đơn vị tư vấn có thể làm được, nhưng DN phải trao đổi và lựa chọn các đơn vị tư vấn dựa trên những hoạt động kinh nghiệm của họ.
Theo bà Hạnh, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP sẽ được trình Chính phủ, được biết sẽ có yêu cầu bên thứ 3 thẩm định kết quả báo cáo kiểm kê, giảm phát thải KNK của DN tham gia trực tiếp vào hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS), nên DN phải lựa chọn đơn vị tư vấn với chi phí tối ưu. Bởi nếu tư vấn không chính xác, cơ quan thẩm định sẽ yêu cầu sửa đổi rất nhiều, lúc đó DN sẽ phát sinh thêm chí phí và thời gian.
Bà Hạnh lưu ý DN khi chọn đơn vị tư vấn phải yêu cầu ràng buộc các kết quả của họ chuẩn bị cho DN sẽ phải đảm bảo được yêu cầu thẩm định của Chính phủ, chỉ khi DN làm được như vậy thì trách nhiệm của tư vấn sẽ lớn hơn, thay vì tư vấn đưa ra một báo cáo mà DN không thể bảo vệ được với cơ quan chức năng.
Vậy đây là cơ hội hay thách thức?
Theo ông Josh Margolis, Chuyên gia thị trường các sản phẩm môi trường và Quản trị viên CarbonSim, nguyên Giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF): Mục tiêu của DN là cắt giảm phát thải KNK và ETS là công cụ để thực hiện điều đó một cách công bằng trong xã hội. Điều này giúp đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh việc làm (tạo ra thêm việc làm), công bằng về môi trường, các nguồn thu được tạo ra thông qua hệ thống ETS có thể được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.
Ông Josh Margolis cho rằng cơ chế điều chỉnh các-bon là cơ hội chứ không phải thách thức. Với chiến lược cắt giảm các-bon, Chính phủ có thẩm quyền để thực hiện các chương trình đảm bảo thực thi thông qua hạn ngạch và đảm bảo có kết quả theo NDC.
Ông Josh Margolis tại khóa đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam về thị trường các-bon. |
Liên quan đến ETS, cơ chế này cho phép người tham gia ETS có thể lưu giữ hạn ngạch và tín chỉ bù trừ để sử dụng trong năm tuân thủ sau. Lưu giữ có thể thúc đẩy đầu tư vào các biện pháp giảm phát thải và linh hoạt trong sử dụng hạn ngạch đồng thời khuyến khích DN tuân thủ nghiêm ngặt, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính cung cấp vốn cho các sáng kiến giảm phát thải KNK.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra, trong trường hợp DN phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của châu Âu (cơ chế CBAM) vào năm 2026, trong khi năm 2028 thị trường trong nước mới vận hành liệu DN có bị ảnh hưởng không khi giá các-bon thị trường quốc tế được dự báo cao hơn thị trường trong nước?
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Loan – Chuyên gia tư vấn Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM của EU tại Việt Nam cho biết: Cơ chế CBAM mang tính chất thuế và trả phí, không phải cơ chế hạn ngạch và trao đổi. Chứng chỉ CBAM phải được mua với giá của châu Âu chứ không phải mua với giá của Việt Nam rồi bù trừ hoặc chuyển đổi.
Mục đích của CBAM cho DN nhập khẩu vào châu Âu phải chịu giá các-bon theo châu Âu để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa DN trong EU và bên ngoài EU về mặt chi phí. Đây chính là hàng rào kỹ thuật bảo hộ cạnh tranh của châu Âu và chống rò rỉ các-bon của DN châu Âu chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác rồi đưa sản phẩm quay lại thị trường châu Âu.
Bà Nguyễn Hồng Loan trả lời doanh nghiệp về cơ chế CBAM. |
“Trong trường hợp này, DN xuất khẩu vào châu Âu phải chứng minh mình đã trả một phần chi phí các-bon ở Việt Nam, cơ quan thuế sẽ trừ đi phần đó, phần còn lại đơn vị nhập khẩu hàng hóa của DN tại EU phải trả để đáp ứng các quy định của CBAM”, bà Loan cho hay.
Tín chỉ là hàng hóa chứ không phải “món quà trên trời rơi xuống”
Liên quan đến câu chuyện tín chỉ các-bon, bà Đặng Hồng Hạnh cho biết, việc tạo ra tín chỉ các-bon từ một dự án giúp giảm phát thải KNK, thu hồi hoặc hấp thụ các-bon là không dễ. Trước hết, dự án đó phải đáp ứng các tiêu chí hợp lệ rất khắt khe của các tiêu chuẩn các-bon, một trong nhưng tiêu chí đó là “tính bổ sung”. Một dự án được xem là “bổ sung” nghĩa là dự án đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có nguồn thu bổ sung từ bán tín chỉ các-bon.
Bà Hạnh chỉ ra, việc mua bán tín chỉ các-bon đang gây hiểu lầm chưa chính xác ở Việt Nam. “Tôi đọc có bài báo của một tờ báo có lượng truy cập lớn viết “Bà con ngủ một đêm dậy cũng có tiền tín chỉ”, đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm”, bà Hạnh nêu ví dụ.
Ông Josh Margolis hướng dẫn doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon mô phỏng bằng công cụ CarbonSim. |
“Tín chỉ không phải là món quà quốc tế trao cho Việt Nam mà là hàng hóa mới, tín chỉ là do các hoạt động dự án tạo ra giảm phát thải theo hình thức tự nguyện, hành lang pháp lý để quản lý tín chỉ các-bon đang được cơ quan quản lý thảo luận, để đảm bảo các điều kiện vận hành cho thị trường minh bạch, rõ ràng và công bằng”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Bà Hạnh phân tích, trước đây là Cơ chế phát triển sạch (CDM), còn bây giờ là cơ chế tự nguyện, các tín chỉ này không phải từ “trên trời rơi xuống” mà phải đầu tư vào chuyển đổi công nghệ. Để thu được 5 đô la /1 tín chỉ nhưng có thể chúng ta phải mất 6 đô la để tạo ra một tín chỉ.
“Để tạo ra một tín chỉ cần bên thứ 3 thẩm định, đăng ký, thẩm tra để ban hành tín chỉ cũng như chi phí đầu tư công nghệ tạo ra tín chỉ đó”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà Hạnh, dự án tín chỉ các-bon từ rừng là loại hình dự án phức tạp nhất sau đó đến nông nghiệp trong việc được công nhận và tạo ra tín chỉ các-bon, chứ không phải đơn giản nhân diện tích rừng, lúa và giá là có tiền.
Liên quan đến cơ chế bù trừ bằng tín chỉ các-bon trong ETS, bà Hạnh giải thích, chỉ những tín chỉ được tạo ra từ các dự án nhất định và được đăng ký theo cơ chế do Chính phủ quy định mới được phép sử dụng để bù trừ. Ví dụ, ở Việt Nam, Chính phủ cho phép bù trừ 10% hạn mức được giao của một DN bằng tín chỉ các-bon, nghĩa là nếu quyền phát thải của DN là 100% thì DN phải đảm bảo tuân thủ 90% bằng hạn ngạch, 10% DN được phép mua tín chỉ để bù trừ.
Theo Báo Công Thương