Công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, bên cạnh việc đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.… thì cần những cơ chế chính sách phù hợp, “đột phá”.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành. Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp nông nghiệp có một Chiến lược thể hiện rõ sự đổi mới về tư duy, mang tính bao trùm, dài hạn với nhiều điểm mới.

Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 – 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp.

Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 17/2
Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 17/2

Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 17/2, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) – cho biết, để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là cơ chế chính sách phù hợp, “đột phá”.

Theo đó, các chính sách về sử dụng đất đai cần được sửa đổi theo hướng linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai; phát triển tín dụng chính thức cho hộ doanh nghiệp, hợp tác xã; tín dụng theo chuỗi; hạ tầng cần được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.

Cũng theo ông Trần Công Thắng, ngành cũng cần hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng; trong đó doanh nghiệp đầu tầu đảm bảo vai trò hạt nhân; phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị; đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội…

Trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tại cuộc họp báo, các vấn đề như: Làm thế nào để cụ thể hóa chiến lược này, câu chuyện “được mùa, mất giá nông sản” và quy hoạch sản xuất, hạ tầng cho nông nghiệp, thiếu dự báo, phân tích thị trường… được các phóng viên, báo chí quan tâm đặt câu hỏi.

Theo ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”… Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương….

Về phát triển thị trường, đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản. Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Là chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến sĩ Đặng Kim Sơn – chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp – đánh giá, chiến lược thực sự là một niềm vui vì lần đầu tiên Việt Nam chúng ta có một chiến lược về nông nghiệp, hình như là ngành đầu tiên có chiến lược trong tất cả các ngành kinh tế. “Từ thay đổi tư duy sẽ dẫn đến điều chỉnh thay đổi hành vi, thay đổi cách thức cư xử, thay đổi định hướng hành động của mọi đối tượng dẫn đến thay đổi kết quả, thay đổi nền kinh tế Việt Nam, đó là điều quan trọng nhất và tôi mong đợi nhất”, ông Đặng Kim Sơn nói.

Tuy vậy, theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nền nông nghiệp của chúng ta còn nhiều thách thức, phải đối chọi từ hai phía. Phía trước của chúng ta vẫn còn mới, vẫn đang thay đổi với rất nhiều thách thức, đằng sau chúng ta là di sản cũ, những yếu kém cũ vẫn còn ngổn ngang và chậm được xử lý. Chiến lược nông nghiệp đòi hỏi chúng ta phải vừa cởi trói ở những vấn đề rất cụ thể trong sản xuất, đồng thời mở ra cánh cửa cho tất cả các ngành khác cùng tham gia, cùng phối hợp. Chỉ có như thế mới có thể chuyển từ ngành sản xuất sang một nền kinh tế.

Theo Congthuong.vn