Chính sách miễn, giảm thuế, phí: Trao “cần câu” cho người dân, doanh nghiệp

rong suốt hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thấu hiểu với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, người dân đang đối mặt, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa mang ý nghĩa “khoan thư sức dân”. Đây là những “cần câu” hiệu quả giúp doanh nghiệp, người dân có thể duy trì hoạt động, từ đó vực dậy sản xuất kinh doanh.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Trong năm 2021, với rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được Bộ Tài chính thực hiện, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Những giải pháp này đã góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Từ đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đạt kết quả khả quan dù đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (trừ một số nhóm hàng); giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; giảm nhiều loại thuế, phí, trong đó có lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước… Bộ Tài chính ước tính, tổng số các loại thuế, phí và lệ phí được giảm trong năm 2022 khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng. Cùng với đó, rất nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí vẫn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trình Chính phủ ban hành với quy trình rút gọn để sớm đi vào cuộc sống.

Một trong những chính sách thực hiện trong năm 2022 được đánh giá rất cao và tạo nhiều kì vọng với người dân, doanh nghiệp là giảm thuế giá trị gia tăng. Tính từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022, nghĩa là gần trọn 1 năm, thuế giá trị gia tăng các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8% để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển. Theo tính toán của Bộ Tài chính, các chính sách này dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Dù ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng, nhưng cái lợi lớn hơn, theo Bộ Tài chính, là số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đồng thời kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, qua gần 3 tháng thực hiện, khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, nhiều mặt hàng đã được giảm giá nhờ giảm thuế, từ đó, số tiền thanh toán của người mua hàng hóa cũng được giảm đáng kể. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp kiềm chế lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao theo diễn biến chung của thế giới.

Còn từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hương Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học An Phát cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của An Phát. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt. Nhiều điểm bán hàng của An Phát đã phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, nhờ có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng trong năm 2021 và chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã có tăng trưởng trở lại ấn tượng. Bằng chứng là nhiều cửa hàng bị đóng cửa từ giữa năm 2021 của An Phát mới được mở cửa trở lại đã có doanh thu quý 1/2022 tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian vừa qua giúp An Phát tiết kiệm khá nhiều từ những khoản thuế phải nộp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng tích lũy, bồi đắp nội lực, nâng cao sức cạnh tranh mà giá thành hàng hóa, sản phẩm do An Phát bán ra cũng được cơ cấu lại hợp lý hơn song song với các chương trình ưu đãi, khuyến mại khác để kích thích sức mua của người tiêu dùng”, bà Lê Thị Hương Giang chia sẻ.

… và kỳ vọng hiệu quả

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, do tác động của dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ càng trở nên quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có tới 70% doanh nghiệp đánh giá hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách tài khóa không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn tạo niềm tin, giúp cộng đồng doanh nhân cảm nhận được trách nghiệm cũng như sự quan tâm từ Chính phủ và cơ quan Nhà nước.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các chính sách tài khóa được đưa ra hiện đã khá phù hợp về liều lượng, thời hạn hỗ trợ khi xét trên 2 phương diện là nguồn lực của Nhà nước cùng những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ chỉ góp phần vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở nội tại doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung. Bởi lẽ, những chính sách đó chỉ như những chiếc “cần câu”. Còn nếu muốn “câu được cá” thì vẫn phải phụ thuộc vào năng lực, sự phấn đấu của từng doanh nghiệp.

Có nhiều góp ý cho rằng, trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ về tài khóa cần xem xét để hỗ trợ doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp; phải quan tâm đến sức hấp thụ của từng ngành, trao cho doanh nghiệp “cần câu”, đừng trao “con cá”. Hơn nữa, chính sách tài khóa cần hướng đến đẩy mạnh đầu tư công đúng trọng tâm, không dàn trải, đảm bảo tính công bằng để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được tham gia như những doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải lên phương án chủ động thích ứng, sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt mọi cơ hội mà nền kinh tế và các cơ quan Nhà nước đưa ra.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, ở các nước, khi đại dịch xảy ra, Chính phủ thường có các gói hỗ trợ toàn dân, họ dùng tiền phát cho tất cả mọi người để đỡ khó khăn. Nhưng Việt Nam chúng ta lại khác, không dùng tiền để phát như các nước, song, gói chính sách tài khóa được ban hành gần như là một gói hỗ trợ toàn dân. Do vậy, cơ quan quản lý cần kịp thời đưa chính sách đến đúng đối tượng.

Theo Báo Hải quan