Bộ NN-PTNT hợp tác với Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững khu vực Tây Nguyên

Ngày 13/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Tổng giám đốc toàn cầu Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Ông Daan Wensing. Hai bên đã trao đổi về định hướng, chiến lược hợp tác giữa tổ chức IDH và Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, giảm phát thải và đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Tổng giám đốc toàn cầu Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Ông Daan Wensing.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Việt Nam hiểu rằng đã đến lúc nhìn lại nền nông nghiệp, cần phát triển nông nghiệp theo xu thế mới của người tiêu dùng. Điều đó được làm sâu sắc hơn trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nền nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy chuỗi giá trị, tư duy kinh tế. Việt Nam đã nhìn nhận sự phát triển kinh tế gắn với các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp không gắn với cảnh quan, giờ Việt Nam đã nhìn nhận sản xuất nông nghiệp ở khía cạnh hệ sinh thái, môi trường, từ cách tiếp cận đó tạo sự phát triển bền vững hơn cho các ngành hàng nông sản, đặc biệt là cây cà phê, cây hồ tiêu, những cây trồng của vùng Tây Nguyên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi Bộ trưởng có chuyến công tác ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp, các Hợp tác xã đã có ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở Việt Nam đã lâu nên việc hướng tới sự phát triển bền vững vẫn có những điểm nghẽn. Việt Nam đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng góp phần giải quyết những đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng. Để xem xét một ngành hàng có bền vững hay không thì chủ thể của chuỗi ngành hàng đó từ người nông dân đến doanh nghiệp cần có sự gắn kết, tri thức hóa người nông dân, tăng tính liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giúp cách tiếp cận này đi vào đời sống, đi vào suy nghĩ của người nông dân, từ đó làm nền tảng để chúng ta đưa những giá trị mới vào, trong đó có giá trị cảnh quan trong ngành hàng cà phê.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN-PTNT và IDH cần nhìn nhận được các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên, để đưa ra các hoạt động hợp tác phù hợp về truyền thông, khuyến nông, tập huấn nâng cao nhận thức cho người nông dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ hy vọng IDH sẽ là một trong những nhân tố hỗ trợ Việt Nam trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Ông Daan Wensing cho biết: IDH đánh giá cao sự hợp tác của Bộ NN-PTNT trong việc phát triển bền vững các ngành hàng. Hai bên sẽ có sự hợp tác tập trung vào các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu và sự tiếp cận cảnh quan trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Daan Wensing bày tỏ sự đồng thuận khi nền nông nghiệp Việt Nam chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế vì điều này phù hợp với chiến lược của IDH. Ông Daan Wensing cho biết: Chúng ta cần nắm bắt rõ nhu cầu, xu hướng của thị trường trên thế giới như giảm phát thải các-bon cũng như các quy định của thị trường EU về hàng hóa nhập khẩu.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Châu Á, IDH đề xuất Bộ NN-PTNT phối hợp với IDH và các đối tác tư nhân trong ngành cà phê triển khai các hoạt động chính như: Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn (Xây dựng chính sách áp dụng cách tiếp cận cảnh quan để nhân rộng mô hình này tại tất cả các tỉnh Tây Nguyên; lồng ghép các nguồn lực của Bộ NN-PTNT như khuyến nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ và phục hồi rừng để phối hợp trong quá trình nhân rộng mô hình); Xây dựng Hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng (Phối hợp với Bộ NN-PTNT và các địa phương đánh giá các vùng có nguy cơ mất rừng thấp, vừa và cao tại khu vực Tây Nguyên theo định nghĩa của Liên minh châu Âu; Xây dựng và thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc/minh bạch chuỗi cung ứng cho sản phẩm cà phê theo yêu cầu của EU tại các vùng có nguy cơ; Tổng hợp và phản hồi với EU về hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng dựa trên các thử nghiệm trên. Về vấn đề phát thải các-bon, Bà Trần Quỳnh Chi đề xuất xác định các giải pháp giảm phát thải cho ngành cà phê; xây dựng và thí điểm các mô hình bù đắp các-bon trong chuỗi sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra ba biến cho nông nghiệp Việt Nam, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Và cách làm của IDH là bài toán giúp giải quyết ba biến đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Theo MARD