58 container hồ tiêu xuất khẩu mắc kẹt ở Nepal và biên giới Nepal – Ấn Độ

Hạt tiêu Kampot của Campuchia vượt bão COVID-19 nhờ chỉ dẫn địa lí - Ảnh 1.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay, có 58 container hạt tiêu của 13 doanh nghiệp Việt Nam, trị giá trên 3 triệu USD đang mắc kẹt nhiều tháng ở cảng Birgunj (Nepal) và tại cảng Kolkata (biên giới Nepal – Ấn Độ) khiến các doanh nghiệp này rơi vào khó khăn.

Thông tin từ các nhà nhập khẩu hồ tiêu Nepal cũng cho hay, lệnh cấm trên chỉ áp dụng với những lô hàng vận chuyển đến Nepal sau ngày 29/3/2020, còn những lô hàng xuất trước đó vẫn được cho nhập bình thường.

Tuy nhiên, sau khi các lô hàng hồ tiêu từ Việt Nam (xuất trước ngày 29/3/2020) đến Nepal, doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán, các nhà nhập khẩu Nepal thông báo rằng, họ không có giấy phép nhập khẩu từ Chính phủ nên các ngân hàng Nepal không chấp nhận thanh toán.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, trước tình huống bất đắc dĩ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đã liên hệ với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế để nhờ hỗ trợ xin tái xuất các container hồ tiêu nói trên về Việt Nam.

Bộ Công Thương Việt Nam đã gửi công hàm tới Chính phủ Nepal đề xuất thông quan các lô hàng hạt tiêu bị mắc kẹt hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp tái xuất các lô hàng này về Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng nhiều lần trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, Công nghiệp và Vật tư Nepal về vấn đề này.

Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có bất kỳ một phản hồi nào từ phía Chính phủ Nepal khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bán hàng không được mà kéo hàng về cũng không xong.

Bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty Nam Internetional chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu có hàng bị mắc kẹt đang phải đối mặt với nhiều tổn thất như tiền lãi suất quá hạn của ngân hàng; không có vốn để xoay vòng và đặc biệt là gánh nặng chi phí lưu container, lưu bãi tăng theo cấp số nhân mỗi ngày.

Cụ thể, theo hợp đồng vận tải hàng hóa, sau khi container hàng đến cảng đích, hãng tàu sẽ cho nằm miễn phí từ 7-10 ngày, sau đó áp dụng tính phí lưu container, lưu bãi cho container 40 feet 70 USD/ngày cho tuần đầu, tuần thứ 2 là 100 USD/container, từ tuần thứ 3 trở đi là 170 USD/container. Như cách tính ở trên, với thời gian lưu bãi khoảng trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container đã lên tới từ 16.000-17.000 USD, chưa kể các chi phí khác như: lưu bãi tại cảng, phí thuê đại lý làm thủ tục hải quan…

Bà Trương Dung, đại diện công ty Liên Thành cho biết thêm, trong số 13 doanh nghiệp có hàng mắc kẹt, có doanh nghiệp chỉ 2-3 container nhưng có doanh nghiệp lên tới 20 container, số tiền phải trả cho hãng tàu là rất lớn. Tính tới thời điểm này, các chi phí phát sinh đã tương đương từ 30-35% giá trị lô hàng, nếu phía Nepal cho kéo hàng về ngay thì tổng chi  phí phát sinh cũng đã lên tới 50% giá trị lô hàng. Chưa kể, hồ tiêu chứa trong các loại bao bì thô, tiếp xúc với thời tiết nắng nóng có thể bị ẩm mốc và hao hụt lớn về trọng lượng.

Trong trường hợp phía Nepal không có câu trả lời chính thức khiến lô hàng tiếp tục phải nằm tại cảng, doanh nghiệp có thể phải chấp nhận bỏ hàng vì nếu kéo về cũng không bán được nữa trong khi chi phí phát sinh quá cao.

Các doanh nghiệp cho biết, Việt Nam và Nepal có quan hệ song phương thương mại tốt đẹp, lịch sử giao dịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nepal cũng chưa có tiền lệ xấu. Khi dịch COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn hiểu việc Nepal có thể ra lệnh cấm nhập khẩu tạm thời do tình huống bất khả kháng. Tuy nhiên lệnh cấm này cần có độ miễn trừ đối với những lô hàng đã xuất phát đi Nepal trước khi lệnh cấm ban hành.

Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam kiến nghị phía Chính phủ Nepal nhanh chóng đưa ra câu trả lời về việc cho thông quan hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tái xuất số hàng trên về lại Việt Nam; đồng thời, mong muốn các hãng tàu vận chuyển số hàng trên chia sẻ với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bằng cách giảm phí lưu container, phí vận chuyển trong trường hợp kéo hàng về, giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay.