Bộ trưởng đau xót khi xuất khẩu điều tỷ đô, mà nông dân không giàu

bo truong dau xot khi xuat khau dieu ty do, ma nong dan khong giau hinh anh 1

Là ngành có sản lượng xuất khẩu đứng nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng ngành điều Việt Nam chỉ “có tiếng không có miếng” khi giá bán sản phẩm thấp hơn thế giới gấp 3 lần và thu nhập của nông dân giảm.

Doanh nghiệp nhiều nhưng không mạnh

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành điều tổ chức tại Bình Phước sáng 5.5, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, theo thống kê của ngành, Việt Nam hiện có trên 450 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều, trong khi các nước chỉ khoảng vài chục DN; có trên 1.000 cơ sở, DN nhỏ lẻ chế biến điều. Ngành điều hiện nay còn có sự tham gia của rất nhiều thành phần kinh tế (tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài…), từ lĩnh vực, ngành hàng khác như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo,… chuyển qua kinh doanh hạt điều.

bo truong dau xot khi xuat khau dieu ty do, ma nong dan khong giau hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ạo sau hội nghị ngành và các địa phương phải hoàn thiện ngay đề án tái cơ cấu ngành để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ảnh: Ngọc Minh.

“Các DN, cơ sở nhỏ lẻ này mạnh ai nấy làm, không có một sự liên kết hay sáp nhập nào nên hoàn toàn không thể cạnh tranh lại với các đối thủ như Ấn Độ, mặc dù họ chỉ có khoảng vài chục DN xuất khẩu điều”, ông Thanh nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận hiện nay có quá nhiều DN tham gia xuất khẩu điều, số lượng DN xuất khẩu tăng lên sau mỗi năm. Số DN đạt kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm là 80%. Nhiều DN không có cơ sở chế biến, chỉ mua gom để xuất khẩu, do đó chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, thấp và với số lượng không đáng kể nhưng lại cạnh tranh về giá, làm thiệt hại cho ngành điều nói chung.

Chế biến sâu còn hạn chế

Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của cả nước cũng chỉ tập trung vào xuất khẩu nhân điều (95%), chế biến sâu chỉ được 5%. Vì không chế biến sâu được nên giá trị sản phẩm hạt điều xuất khẩu của Việt Nam hiện rất thấp.

“Nếu các sản phẩm chế biến sâu, đóng lon bày bán trong siêu thị của các nước châu Mỹ, châu Âu có giá tới 25-30USD/kg thì sản phẩm điều xuất khẩu của Việt Nam chỉ được 10-11 USD/kg, thấp hơn gấp ba. Điều đó cũng giải thích vì sao doanh thu của DN xuất khẩu lớn nhất của năm ta chỉ được khoảng 200 triệu UDS, trong khi của DN Dona của Ấn Độ đạt tới 4 tỷ USD”, ông Nguyễn Đức Thanh thông tin.

Mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 hơn 3,6 tỷ USD nhưng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn đau xót khi thu nhập của người nông dân chưa cao, nông dân chưa thể làm giàu từ ngành này. Nguyên nhân do năm qua thời tiết xấu, những trận mưa thất thường, trái mùa và bệnh dịch làm giảm năng suất, chất lượng hạt điều.

Từ đó làm hiệu quả thu nhập cho người trồng điều suy giảm, liên đới làm giảm sản lượng, thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến xuất khẩu, làm ngành, DN lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

 bo truong dau xot khi xuat khau dieu ty do, ma nong dan khong giau hinh anh 2

Ngành điều phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.

Để khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sắp tới Bộ sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành, không tăng diện tích sản xuất, giữ nguyên 300 ngàn ha trồng điều như hiện nay và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất lên gấp đôi, thậm chí gấp ba; tập trung phát triển cho từng tiểu vùng, từng loại giống phù hợp với địa phương để tăng năng suất và chất lượng. Ngành cũng sẽ tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư phát triển.

“Đặc biệt, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Tương ứng DN phải liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu tổ chức, đặt hàng sản xuất đến khâu tiêu thụ. Phát triển thị trường trong nước vì thị trường này còn nhiều tiềm năng từ người dân đến khách du lịch. Sau hội nghị, Bộ NNPTNT sẽ làm ngay việc rà soát để hoàn thiện đề án tái cơ cấu từ quy mô đến định hướng sản xuất phát triển, tập trung cho 4 tỉnh trồng điều trọng điểm, xây dựng chính sách tập trung vào xã hội hoá để hỗ trợ cho DN và nông dân tái cơ cấu vườn điều, xoay quanh 3 trục chính: nhà nước, DN và nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng các DN còn quên phát triển thị trường trong nước, không chỉ là phục vụ hơn 90 triệu dân nội địa mà còn hàng chục triệu khách du lịch. Phát triển ngành điều sắp tới nên có định hướng phát triển gắn liền với du lịch, tổ chức các tour đi thăm vườn điều, nhà máy sản xuất, sản phẩm lưu niệm để quảng bá cho ngành điều, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất lẫn DN chế biến.